Báo cáo tóm tắt và các khuyến nghị

Thúc đẩy bình đẳng giới và việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực may mặc tại Châu Á: Báo cáo tóm tắt và các khuyến nghị

Báo cáo chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới trong ngành dệt may, đồng thời cung cấp cho các đối tác ba bên của ILO và các bên liên quan lộ trình hành động đặt việc làm thỏa đáng và công bằng xã hội làm tâm điểm của mô hình kinh doanh hậu đại dịch. Báo cáo tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong ngành dệt may tại Cambodia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

Trong ba thập kỷ qua, ngành dệt may châu Á luôn là lối mở then chốt đưa phụ nữ tham gia vào khu vực kinh tế chính thức, đem lại những cơ hội chưa từng có, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Tuy nhiên, mặc dù ngành này đã và đang cải thiện điều kiện kinh tế và phúc lợi xã hội của hàng triệu phụ nữ, vẫn còn nhiều cơ hội chưa được nắm bắt do khoảng cách giới tồn tại dai dẳng làm suy yếu thành quả đạt được của chương trình việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Đại dịch COVID-19 vừa nhấn mạnh, vừa làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực này.

Dựa trên phân tích diễn biến trong khu vực và các cuộc phỏng vấn với một số bên liên quan, báo cáo chỉ ra tầm quan trọng cần giải quyết vấn đề bình đẳng giới hiện nay, đồng thời cung cấp cho các đối tác ba bên của ILO và các bên liên quan lộ trình hành động toàn diện nhằm thúc đẩy tiến bộ hướng tới bình đẳng giới trong khuôn khổ một chiến lược có phạm vi rộng hơn đặt việc làm thỏa đáng và công bằng xã hội làm tâm điểm của mô hình kinh doanh hậu đại dịch. Một số thông điệp chính mà báo cáo đưa ra nhằm tăng cường hành động và hiệp lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ trong các chuỗi cung ứng ngành dệt may châu Á bao gồm: khả năng (thay đổi), quyền lực, sự tham gia, quan hệ đối tác, hành tinh, chính sách và tiến bộ.
Ngoài ra, dựa trên lý thuyết thay đổi, báo cáo cũng đưa ra những thông điệp chính, một số khuyến nghị, dự thảo một lộ trình hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành dệt may. Lộ trình này được đưa ra nhằm thúc đẩy tăng cường động lực, hợp tác và sức mạnh tổng hợp vì bình đẳng giới trong ngành dệt may châu Á trong giai đoạn 2021 – 2022. Bản dự thảo hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến góp ý.
Nghiên cứu này thuộc khuôn khổ dự án Việc làm Thỏa đáng trong Chuỗi cung ứng Dệt may châu Á do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Chúng tôi xin cảm ơn Chính phủ Thụy Điển đã luôn ủng hộ ILO, chia sẻ tầm nhìn chung về bình đẳng giới, sự bền vững và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người.