Applying the G20 Training Strategy in Viet Nam (Phase 2)

Dự thảo Bộ công cụ đánh giá kỹ năng nghề Lễ tân và Phục vụ Buồng tiếp tục ghi nhận phản hồi tích cực từ phía Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Du lịch Khách sạn

Các hội thảo cũng đưa lại một cơ hội mới cho DVET để giới thiệu phương pháp đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực đến các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước.

Bài viết | Hanoi, Viet Nam | Ngày 23 tháng 6 năm 2019
Các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn cho nghề Lễ tân ngày 16/06/2019
Hà Nội, 16 & 23/06/2019 - Sau quá trình thử nghiệm bộ công cụ tại trường Cao đẳng Du lịch Huế (08-09/12/2018), các nhóm soạn thảo bộ công cụ đánh giá kỹ năng cho hai nghề Lễ tân và Phục vụ Buồng tiếp tục điều chỉnh lại tài liệu dựa trên nhận xét và góp ý từ các thí sinh và giám khảo tham gia trong hoạt động thử nghiệm này.

Quá trình sửa đổi đã diễn ra trong 06 tháng với các cuộc họp nhóm được tổ chức xuyên suốt thời gian này. Trong quá trình sửa đổi, các nhóm công tác đã nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng tất cả các góp ý ghi nhận trong thời gian thử nghiệm nhằm hoàn thiện tốt hơn sản phẩm. Bộ công cụ xây dựng bao gồm ngân hàng câu hỏi lý thuyết, bài kiểm tra thực hành dựa trên tình huống giả định và tài liệu hướng dẫn cho cán bộ chấm thi và thí sinh của mỗi nghề ở mỗi bậc trình độ. Những công cụ này đã được điều chỉnh nhằm hướng đến mục tiêu có thể đánh giá với chất lượng cao hơn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn cho nghề Phục vụ Buồng ngày 16/06/2019

Sau khi nhận được bộ công cụ đánh giá đã được cập nhật từ các nhóm biên soan, Vụ Kỹ năng Nghề thuộc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) đã phối hợp với Dự án G20 tổ chức hai cuộc hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội vào ngày 16/06 và 23/06 cho các nghề Lễ tân và Phục vụ Buồng.

20 đại diện đến từ 6 cơ sở đào tạo và 13 khách sạn trên cả nước đã tham gia hội thảo ngày 16/06, và hội thảo ngày 23/06 cũng đã ghi nhận sự tham gia thảo luận của 24 đại biểu đến từ 1 cơ sở đào tạo và 21 khách san, doanh nghiệp của ngành. Cả hai hội thảo đều đón nhận sự hỗ trợ từ phía Vụ Đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MoCST).

Tại các hội thảo, Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng Nghề/DVET và Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ Phó Vụ Đào tạo/MoCST đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của những bộ công cụ đánh giá này trong việc thí điểm và mang đến những kinh nghiệm áp dụng cho các nghề khác trong và ngoài ngành Du lịch Khách sạn. Đại diện hai Bộ đã bày tỏ sự cảm kích đối với những đóng góp về mặt kỹ thuật của ILO trong cả quá trình, cũng như vai trò hỗ trợ điều phối từ Dự án G20 trong việc kết nối với các đối tác chính của ngành, cũng như cảm ơn Liên Bang Nga đã tài trợ cho hoạt động này.

Đại diện cho hai nhóm xây dựng, Ông Trần Ngọc Lương - Trưởng nhóm Phục vụ Buồng, Tập đoàn BIM và Ông Ngô Trung Hà - Trưởng nhóm Lễ tân, Trường Quốc tế Pegasus đã giới thiệu toàn bộ quá trình xây dựng đến thời điểm hiện tại cho các đại biểu tham dự. Các chuyên gia cũng chia sẻ tại hội thảo những khó khăn và thách thức gặp phải trong quá trình xây dựng, ví dụ như những khác biệt về tiêu chí đánh giá và tiêu chuẩn, quy trình vận hành và cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp trên cả nước.

Hai nhóm soạn thảo cũng nêu lên khó khăn trong việc lần đầu tiên áp dụng phương pháp đánh giá mới này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hai bộ công cụ khi được hoàn thiện và phê duyệt bởi MoLISA sẽ giúp cải thiện rất nhiều chất lượng dịch vụ cũng như hỗ trợ phát triển kỹ năng đối với ngành Du lịch Khách sạn của Việt Nam.

Các hội thảo cũng đưa lại một cơ hội mới cho DVET để giới thiệu phương pháp đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực đến các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước. Ông Nguyễn Quang Việt và ông Cao Quang Đại, hai chuyên gia Kỹ năng của ILO đã tham gia hỗ trợ hướng dẫn các đại biểu về phương pháp xây dựng, hướng dẫn những điểm chính cần chú ý khi tiếp nhận, rà soát và đưa ra góp ý phản hồi từ phía chuyên gia góp ý.

Dựa theo những hướng dẫn này, 44 chuyên gia đã có thể thực hành góp ý theo nhóm, nhằm giúp hiểu rõ hơn các bước và có thể đưa ra góp ý chi tiết theo như yêu cầu từ phía DVET.

Các đại biểu tham dự đều thể hiện sự đồng tình về tầm quan trọng của việc xây dựng những bộ công cụ đánh giá này và những đóng góp quan trọng của các bộ công cụ trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như nâng cao kỹ năng của người lao động hướng đến những việc làm tốt hơn.

Tiếp theo hội thảo, 44 chuyên gia sẽ xem xét lại kỹ hơn các bộ công cụ đánh gia và chia sẻ góp ý cho các nhóm xây dựng để điều chỉnh. Bản dự thảo điều chỉnh dự kiến sẽ được hoàn thiện vào giữa tháng 08 và chính thức đi vào thẩm định trong tháng 09/2019.