Thúc đẩy và Xây dựng An sinh Xã hội ở Châu Á (Việt Nam - Giai đoạn 4)

Dự án được xây dựng dựa trên những thành tựu đạt được của 'Dự án ILO/Nhật Bản về thúc đẩy và xây dựng an sinh xã hội ở Châu Á (giai đoạn 3): Mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội ở ASEAN (2016 - 2019) cũng như các dự án hợp tác phát triển khác

© ILO

Bối cảnh dự án

Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội tương đối phát triển cả về phạm vi và mức độ bao phủ pháp lý. Hệ thống này bao gồm bảy chế độ an sinh xã hội và các chương trình trợ giúp xã hội nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến độ bao phủ hiệu quả, vì các chính sách đóng góp và không đóng góp hiện đang được hoạch định và thực hiện độc lập với nhau.

Hệ thống Bảo hiểm Xã hội do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) quản lý và hiện chỉ bao phủ 30% lực lượng lao động. Hệ thống này chủ yếu được thiết kế cho những người làm công ăn lương toàn thời gian, cố định, mà chưa thích ứng tốt cho những người lao động phi chính thức. Hệ thống Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã ra đời để những người lao động này có thể tham gia bảo hiểm, nhưng cho đến nay kết quả bao phủ rất thấp - ước tính chỉ có dưới 3% lực lượng lao động tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng thời, ngoại trừ hưu trí xã hội là phổ cập cho những người trên 80 tuổi thì các chế độ trợ giúp xã hội tập trung vào một số nhóm và có sự đầu tư rất hạn chế.

Sự phân tán về chính sách và thể chế của hệ thống an sinh xã hội dẫn đến khoảng trống bao phủ đáng kể. Ví dụ chỉ khoảng một phần ba người cao tuổi được tiếp cận đến lương hưu có đóng góp và không có đóng góp. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra những động lực cải cách ASXH với việc lần đầu tiên đưa khái niệm bảo hiểm xã hội toàn dân vào khung pháp lý ASXH của Việt Nam.

Hơn nữa, nền kinh tế, thị trường lao động và xã hội Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý đầu của năm 2020 là 1,8%, và là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận tăng trưởng kinh tế tích cực trong giai đoạn này. Dù xét về tổng thể thì nền kinh tế có khả năng phục hồi, nhưng nhiều người Việt Nam đã phải chịu những tác động mạnh vào an ninh thu nhập và sinh kế của họ. Tính tổng thể, COVID-19 đã ảnh hưởng đến 30 triệu người, hoặc một nửa tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị lên tới 4,5% và khoảng 1,2 triệu người rời thị trường lao động, và phụ nữ chiếm tỷ lệ cao trong số những người chịu tác động kinh tế xã hội dàn hạn của COVID-19. Người lao động phi chính thức (71% tổng số người lao động) chịu tác động của đại dịch nhiều hơn so với người làm công ăn lương. Trước cuộc khủng hoảng, chỉ có 25% người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 40 triệu người lao động không được bao phủ bởi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Chính phủ đã trích một phần của gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để cung cấp trợ cấp tiền mặt cho những cá nhân bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm do các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định và tiếp cận những người lao động làm việc phi chính thức.

Thực trạng này bộc lộ những lỗ hổng quan trọng trong bao phủ an sinh xã hội, vốn chỉ trở nên trầm trọng hơn do sự phân tán chính sách. Phần lớn người lao động ở Việt Nam vẫn thuộc diện “nhóm bị bỏ sót”, tức là họ không phải là nhóm lao động chính thức để tham gia bảo hiểm xã hội, cũng như không đủ yếu thế để nhận trợ giúp xã hội.

Trong tương lai, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng. Nhiều người làm công ăn lương có thể làm tại nhà đã được trả lương đầy đủ, trong khi những người làm công ăn lương thấp, chủ yếu ở khu vực kinh tế phi chính thức, thu nhập của họ giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Những tác động khác biệt này không chỉ có ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn có thể định hình các mô hình tương lai trên thị trường lao động. Một hệ thống an sinh xã hội được mở rộng và bao trùm sẽ là chìa khóa để thực hiện một chính sách tái phân phối hiệu quả. Trong ngắn hạn, điều này sẽ bao gồm việc sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao trùm hơn và đáp ứng được những áp lực mới của thị trường lao động sau COVID, đồng thời tiếp tục phát triển một khuôn khổ rộng hơn cho An sinh Xã hội ở Việt Nam với nhiều chế độ an sinh xã hội cùng một lúc để xác định cách thu hẹp khoảng cách về phạm vi bao phủ hiện có.

Chiến lược dự án

Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống an sinh xã hội bao trùm và tích hợp thông qua ( i ) cải cách luật pháp nhằm thúc đẩy hệ thống dựa trên quyền, (ii) xây dựng các bằng chứng phụ vụ hoạch định chính sách để mở rộng phạm vi bao phủ, và (iii) ) vận động chính sách.

Do đó, trọng tâm là mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp, cho các nhóm không được bảo hiểm đầy đủ hoặc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Thông qua đó, dự án sẽ hướng tới việc thúc đẩy chính thức hóa. Dự án cũng sẽ tăng cường liên kết và điều phối với hai cơ quan cấp Vụ của Bộ LĐTBXH, đảm bảo áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và chặt chẽ khi quốc gia thích ứng với các tác động của COVID-19

Mục tiêu dự án

Nhiều người lao động hơn được bao phủ bởi các chương trình an sinh xã hội, thông qua chính sách và khuôn khổ pháp lý được cải thiện dựa trên quyền và nhạy cảm về giới cũng như các cơ chế thực thi và phân phối ở Việt Nam.
Kết quả của dự án
  • Kết quả 1: Cung cấp bằng chứng và kiến thức bổ sung để rà soát pháp lý và phát triển khung an sinh xã hội nhất quán dựa trên quyền
  • Kết quả 2: Xây dựng các lựa chọn chính sách dựa trên bằng chứng để mở rộng các chế độ ASXH đóng góp và không đóng góp, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp, phù hợp với các mục tiêu của NQ 28-NQ/TW, QĐ 488/TTg/2017 và Nghị quyết 42/NQ-CP.
  • Kết quả 3: Xây dựng các công cụ truyền thông và vận động chính sách để hỗ trợ Chính phủ và các đối tác trong việc ra quyết định dựa trên bằng chứng đối với các hệ thống hiện có và hệ thống mới.

Các đối tác chính

Bên liên quan chính, hoặc đối tác thực hiện, là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và các Vụ chủ chốt của Bộ. Cục Việc làm là đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH phụ trách tất cả các chủ đề liên quan đến việc làm, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp . Cục Việc làm cũng đóng vai trò chủ trì trong việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP để giải quyết tác động của COVID-19.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức này chịu trách nhiệm về việc thu các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, công tác hành chính chi trả chế độ và do đó là một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam.

Các bên liên quan chính khác, bao gồm Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề xã hội (PCSA) và Ban Kinh tế Trung ương sẽ chỉ đạo và giám sát việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Sự tham gia của các đối tác này, với vai trò ra quyết định quan trọng của họ trong tham vấn sẽ giúp xây dựng sự đồng thuận cần thiết cho việc xây dựng và thử nghiệm các chính sách/hệ thống mới. ILO với cơ chế ba bên cũng sẽ tham vấn với các tổ chức đối tác xã hội. Đó là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN).


Liên hệ

André Gama
Giám đốc Chương trình
Văn phòng Quốc gia ILO tại Việt Nam
304 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình , Hà Nội, Việt Nam
Email: dasilvagama@ilo.org
Điện thoại: 0383102755