Dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước (NIRF/EU)

Dự án sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện của Việt Nam bằng cách tăng cường khung khổ pháp luật hiện hành thông qua áp dụng và thực hiện tốt hơn các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động.

Các đối tác
  • Liên minh Châu Âu
  • Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
  • Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đối tượng hưởng lợi
  • Các cơ quan chính phủ (Bộ LĐTXH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan)
  • Các cán bộ thi hành pháp luật ở mức độ rộng hơn
  • Các nhà làm luật của Quốc hội, những người chịu trách nhiệm đối với việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO; sửa đổi pháp luật lao động, công đoàn và các luật khác có liên quan
  • Các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động (VCCI) và người lao động (TLĐLĐVN)
  • Giới truyền thông
  • Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp ở các phân khúc khác nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu
  • Người lao động, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm cả phụ nữ
Phân bố địa lý
Tại cấp trung ương (Hà Nội)

Bối cảnh/tổng quan dự án

Ngày càng nhiều các hiệp định và kế hoạch thương mại song phương, đa phương cũng như chương trình hội nhập kinh tế trong khu vực có các quy định về lao động. Các điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại tự do ngày càng tham chiếu nhiều đến các công cụ của ILO, đặc biệt là Tuyên bố 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền trong Lao động, và trong trường hợp các hiệp định của EU gần đây, là các Công ước của ILO.
Các quyền được đề cập trong Tuyên bố năm 1998 của ILO được quy định trong 8 Công ước cơ bản của ILO, với nền tảng là: 1) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể (Công ước 87 và 98), 2) loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước 29 và 105), 3) xóa bỏ lao động trẻ em (Công ước 138 và 182), và 4) xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước 100 và 111).
Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam, đều phải tôn trọng các quyền phổ quát này. Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn 3 Công ước cơ bản (Công ước 87, 98 và 105) liên quan đến quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.
Hiện nay Việt Nam đang tích cực theo đuổi chương trình hội nhập kinh tế toàn cầu, thông qua hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thông qua đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do cũng như các hiệp định đầu tư. Sau khi Hiệp định TPP 12 nước – động lực thúc đẩy quá trình cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động - bị treo, chính Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam đã tiếp thêm ngoại lực, cùng với các yếu tố nội lực để Việt Nam tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, một phần nội dung của Chương Thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định này.

Các mục tiêu của dự án

Mục tiêu tổng quát của dự án này là góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện của Việt Nam bằng cách tăng cường khung khổ pháp luật hiện hành thông qua áp dụng và thực hiện tốt hơn các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động.

Như đã đề ra trong các Mục tiêu ngắn hạn, đến cuối dự án dự kiến đạt được những kết quả sau:
  • Nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam theo Tuyên bố về CNTVQCBTLĐ của ILO và Hiệp định EVFTA được tăng cường;
  • Năng lực của Chính phủ trong việc thực hiện các điều khoản lao động trong Hiệp định EVFTA và Tuyên bố của ILO về CNTVQCBTLĐ được nâng cao;
  • Mức độ sẵn sàng của Chính phủ trong việc xem xét đề xuất phê chuẩn Công ước 87, 98 và 105 của ILO được tăng cường;
  • Hệ thống pháp luật và chính sách chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp tại Việt Nam được rà soát để tiến tới hoàn thiện, phù hợp hơn với Công ước 100 và 111.

Các kết quả đầu ra/các hoạt động chính của dự án

  • Nhận thức của các đối tác ba bên và các đối tác khác về các nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố của ILO về CNTVQCBTLĐ trong Hiệp định EVFTA được tăng cường thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, xây dựng và phổ biến các sản phẩm truyền thông;
  • Các nhà hoạch định chính sách được tăng cường năng lực để hiểu rõ hơn về các cơ chế giám sát của ILO và hệ thống thực thi các điều khoản lao động trong các FTA thế hệ mới. Các tài liệu liên quan đến cơ chế giám sát của ILO và thực thi các điều khoản của các FTA sẽ được tổng hợp và phổ biến;
  • Các điểm vênh đối với những công ước chưa phê chuẩn (Công ước 98 và 105) được xác định và lộ trình đề xuất phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại được chuẩn bị với sự tham vấn với các đối tác ba bên, Quốc hội và các đối tác khác. Các tài liệu liên quan và báo cáo nghiên cứu đánh giá kỹ thuật sẽ được tổng hợp, xây dựng, tham vấn, phê duyệt và phổ biến;
  • Luật pháp và thực tiễn về các loại hình việc làm và nghề nghiệp liên quan tới các nguyên tắc về bình đẳng, không phân biệt đối xử theo Công ước 100 và 111 được rà soát và tổng hợp, tham vấn và phổ biến.

Thông tin liên hệ

Ông Nguyễn Ngọc Triệu
Điều phối viên dự án cấp quốc gia
Văn phòng ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Email: trieu@ilo.org
Điện thoại: 091303322

Ông Nguyễn Văn Bình
Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế
Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: nvbinh@molisa.gov.vn
Điện thoại: 0983154130