Xây dựng môi trường an toàn và sức khỏe cho người lao động – An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ (SafeYouth@Work)

SafeYouth@Work là dự án toàn cầu trong đó Việt Nam là nước thực hiện thí điểm nhằm cải thiện an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ trong độ tuổi 15-24 và thúc đẩy văn hóa phòng ngừa trong an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Việt Nam, Philippin và Myanmar là ba nước được chọn thực hiện thí điểm dự án toàn cầu. Các chiến lược, sản phẩm và phương pháp can thiệp tại ba nước có tiềm năng trở thành mô hình nhân rộng tại nhiều nước và khu vực tham gia khác.

Đối tác: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Đối tượng thụ hưởng: Người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ từ độ tuổi lao động tối thiểu đến 24 tuổi trong khu vực kinh tế phi chính thức thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và tại các làng nghề ở một số tỉnh được lựa chọn.
Địa bàn triển khai chính: Hưng Yên, Phú Thọ, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Các ngành nghề tập chung: Làng thủ công (Hưng Yên), Nông nghiệp (Phú Thọ), Xây dựng và Làng thủ công (Đà Nẵng), Xây dựng (Bình Thuận).

BỐI CẢNH CỦA DỰ ÁN

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang bước vào kỉ nguyên mới về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với việc thông qua Luật ATVSLĐ vào tháng 6 năm 2015. Lần đầu tiên, luật pháp mở rộng cơ chế bảo vệ ATVSLĐ tới người lao động trong khu vực kinh tế phi kết cấu, bao gồm xây dựng hệ thống bồi thường tai nạn lao động cho người lao động phi kết cấu - thành phần chiếm tỉ lệ trên 60% lực lượng lao động ở Việt Nam.

Dự án SAFEYOUTH@WORK hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội giải quyết thách thức của nhiệm vụ quan trọng này. Dự án hướng tới lao động trẻ vì tỉ lệ tai nạn lao động tại nơi làm việc trong lao động trẻ thường rất cao. Bên cạnh đó, hàng năm có khoảng trên một triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động ở Việt Nam, phần lớn trong số họ sẽ tìm công việc hoặc thành lập cơ sở kinh doanh trong khu vực kinh tế phi kết cấu. Hiểu biết của lao động trẻ về quyền tại nơi làm việc rất hạn chế, họ thiếu đào tạo, kĩ năng và kinh nghiệm cần thiết để xác định các nguy cơ và quản lý rủi ro tại nơi làm việc. Lao động trẻ thường không biết cách xử lý an toàn các chất nguy hiểm cũng như các nhiệm vụ của công việc. Họ cũng dễ bị tổn thương trước những lời dọa dẫm, gièm pha và bạo lực tại nơi làm việc. Do thiếu kinh nghiệm làm việc và không được đào tạo các kĩ năng cần thiết, lao động trẻ thường không nắm được các quy định về ATVSLĐ hoặc quyền được làm việc trong môi trường an toàn và sức khỏe. Họ thường làm việc ở những nơi có điều kiện làm việc tạm bợ và không dám mạnh dạn thể hiện sự lo ngại về an toàn và sức khỏe.

Cùng với Myanmar và Philippines, Việt Nam là một trong ba nước thực hiện thí điểm Dự án toàn cầu này. Chiến lược và phương pháp can thiệp áp dụng tại ba nước thí điểm có tiềm năng trở thành mô hình nhân rộng tại “những nước tham gia khác”.

Dự án SAFEYOUTH@WORK là cấu phần quan trọng trong Chương trình hợp tác về an toàn và sức khỏe của ILO có tên “An toàn và sức khỏe – Hành động toàn cầu vì phòng ngừa” và hỗ trợ Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về việc làm bền vững và phát triển kinh tế (Mục tiêu số 8). Dự án cũng góp phần vào Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe và hạnh phúc (Mục tiêu số 3).

MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

Mục tiêu của Dự án là cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ từ độ tuổi lao động tối thiểu đến 24 tuổi và xây dựng văn hóa phòng ngừa tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, dự án tập trung vào các chiến lược sau:
  • Cải thiện công tác thu thập và sử dụng số liệu về ATVSLĐ;
  • Tăng cường khung chính sách và chương trình về ATVSLĐ;
  • Nâng cao năng lực quốc gia để thúc đẩy và tuân thủ luật pháp về ATVSLĐ;
  • Thiết kế các mô hình tiếp cận công đồng và chương trình truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATVSLĐ.

KẾT QUẢ DỰ ÁN

  • Cải thiện công tác thu thập, sử dụng số liệu và thông tin về ATVSLĐ, đặc biệt về lao động trẻ để có thể xây dựng và ban hành các quy định luật pháp hiệu quả cũng như tạo ra được chính sách và chương trình quốc gia phù hợp;
  • Cải thiện các quy định và chương trình về ATVSLĐ đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ;
  • Nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác xã hội để thúc đẩy và đảm bảo sự tuân thủ luật và các quy định ATVSLĐ, đặc biệt là lao động trẻ;
  • Nâng cao kiến thức và nhận thức của lao động trẻ về các nguy cơ và rủi ro đặc thù tại nơi làm việc.

Thông tin liên hệ:

Nicholas J. LEVINTOW
Cố vấn trưởng Dự án
Tổ chức Lao động Quốc tế
Geneva, Thụy Sỹ
ĐT: +41 22 799 7271
Email: levintow@ilo.org

Nguyễn Ngọc Duyên
Điều phối viên Dự án Quốc gia
Văn phòng ILO tại Việt Nam
ĐT: +84 24 37340902 Ext. 105
Fax: +84 24 3734 0904
Email: duyen@ilo.org