Hội Thảo Tham Vấn Về Hợp Đồng Tiêu Chuẩn Đối Với Lao Động Giúp Việc Gia Đình Tại Việt Nam

Hội thảo cũng sẽ hướng tới việc xác nhận nội dung bản hợp đồng dự thảo và đề xuất những bước tiếp theo trong nỗ lực đảm bảo việc làm nhân văn đối với lao động giúp việc gia đình.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước ASEAN khác, trong đó có Thái Lan và Philipin, Văn phòng ILO tại Việt Nam (thông qua Chương trình TAM GIÁC khu vực ASEAN, phối hợp với Chương trình Khung quan hệ lao động mới – NIRF) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng và Cục Quan hệ lao động và Tiền lương của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã soạn thảo bản hợp đồng tiêu chuẩn cho công việc giúp việc gia đình, với mong muốn đây sẽ là một công cụ giúp nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật.

Nhằm giới thiệu bản dự thảo tới các bên liên quan chính để có sự tham gia ý kiến, cả về nội dung và ý tưởng trong việc tuyên truyền, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, GFCD và ILO sẽ tổ chức buổi Hội thảo tham vấn cho các cơ quan trong cơ chế ba bên cũng như các bên liên quan. Hội thảo cũng sẽ hướng tới việc xác nhận nội dung bản hợp đồng dự thảo và đề xuất những bước tiếp theo trong nỗ lực đảm bảo việc làm nhân văn đối với lao động giúp việc gia đình.

Mặc dù Chương trình TAM GIÁC khu vực ASEAN với trọng tâm là di cư lao động, chương trình cũng nhận thấy rằng, việc hỗ trợ cho người lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam cũng sẽ tạo đà tạo ra tác động hiệu ứng và có thể sẽ nâng cao nhận thức và sự quan tâm về những vấn đề mà người lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình ở nước ngoài phải đối mặt. Việc tuân thủ các quy định ở cấp quốc gia sẽ có tác động trực tiếp đến đảm phán song phương về lao động di cư: khi điều kiện cho người lao động trong nước được cải thiện, các quốc gia phái cử có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để yêu cầu và thương lượng các điều kiện tốt hơn khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các mục tiêu dài hạn

  • Nâng cao điều kiện làm việc đối với lao động giúp việc gia đình, đảm bảo việc làm bền vững cho lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Việt Nam và tại nước ngoài;
  • Tăng cường việc làm chính thức đối với lao động giúp việc gia đình.

Các mục tiêu trước mắt

  • Chia sẻ với các cơ quan trong cơ chế ba bên và các bên có liên quan chính ý nghĩa và nội dung hợp đồng tiêu chuẩn để có sự góp ý và/hoặc thẩm định về bản dự thảo;
  • Tham khảo các cách thức thúc đẩy việc sử dụng hợp đồng tiêu chuẩn;
  • Thúc đẩy sự quan tâm của các đại biểu tham dự về việc bảo vệ quyền của lao động giúp việc gia đình và tăng cường sự tham gia của họ vào:
         - Việc tăng cường áp dụng hợp đồng tiêu chuẩn này thông qua các kênh của họ;
         - Cung cấp các dịch vụ đối với lao động giúp việc gia đình và chủ sử dụng lao động (tư vấn, điều đình, hòa giải và các dịch vụ giải quyết tranh chấp khác…)
  • Bước đầu phân tích sơ bộ các bước cần thiết để bảo vệ lao động giúp việc gia đình.

83 đại biểu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đại điện Ủy ban nhân dân quận và phường tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án của GFCD , Văn phòng Quốc hội, Tổng liên đoàn lao động Việt, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công ty tuyển dụng và đào tạo lao động giúp việc gia đình, Người sử dụng lao động giúp việc gia đình, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, GFCD (4) và đại diện 5 tổ chức khác thuộc mạng lưới MNET, Các tổ chức quốc tế: UNWomen, Oxfam, Luxemburg Stiftung, Asia Foundation, ILO, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada, các chuyên gia, lao động giúp việc gia đình.


Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy
Điều phối viên dự án quốc gia
Văn phòng ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Tel.: +84 4 37340902 Máy lẻ 306
Fax: +84 4 37340904
Email: thuy@ilo.org