Thanh tra lao động

Hội thảo lấy ý kiến báo cáo về những lỗ hổng pháp luật trong giải quyết quấy rối tình dục tại nơi làm việc và dự thảo đề cương thông tư liên quan

Báo cáo chỉ ra những lỗ hổng về pháp luật gây ra những khó khăn đối với thanh tra lao động trong việc giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các khuyến nghị của báo cáo được sử dụng để xây dựng đề cương thông tư liên quan.

Quấy rối tình dục là một trong những điều tồi tệ nhất mà một người lao động gặp phải. Quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng xấu tới tinh thần và thể chất của người lao động, mà còn ảnh hưởng tới công việc, suy giảm năng suất lao động, khiến môi trường làm việc trở nên thù địch. Quấy rối tình dục là một hình thức phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng xấu tới sự bình đẳng tại nơi làm việc.

Bộ Luật Lao động 2012 nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy bộ luật có đưa ra một số hướng dẫn, như người lao động là nạn nhân bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng lại chưa có định nghĩa cụ thể về quấy rối tình dục hay các biện pháp xử phạt, khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, thanh tra lao động cũng thiếu các cơ sở pháp lý để triển khai công tác của mình.

Với sự hỗ trợ của ILO, Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và ra đời vào tháng 05/2015. Bộ quy tắc giúp đối tác ba bên tại Việt Nam nhận diện quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng chống và giải quyết vấn đề này thông qua những hướng dẫn thực tế mà trong luật còn thiếu. Do vậy, nội dung của Bộ quy tắc có thể được tham khảo để bổ sung những cấu phần còn thiếu liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong hệ thống pháp luật. 

ILO hiện đang hỗ trợ thanh tra lao động tại Việt Nam trong quá trình xây dựng thể chế và năng lực thông qua một dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Trong khuôn khổ dự án này, Bộ LĐTBXH đề nghị ILO hỗ trợ một số hoạt động giúp đóng góp vào việc phát triển các quy định và công cụ cho thanh tra lao động liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm:

- Báo cáo về những lỗ hổng pháp luật trong giải quyết quấy rối tình dục tại nơi làm việc đối với thanh tra lao động; 

- Đề cương Thông tư hướng dẫn thực hiện các điều khoản trong Bộ Luật Lao động về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc dựa trên các khuyến nghị của báo cáo.