Diễn đàn Quan hệ Lao động

Tuyên bố chung ba bên về đổi mới quan hệ lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế

Tuyên bố chung của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Bài phát biểu | Ngày 19 tháng 4 năm 2016
Ngày 19 tháng 04 năm 2016, các đối tác ba bên của Việt Nam gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Quan hệ Lao động Việt Nam 2016 với chủ đề “Đổi mới quan hệ lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế”.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam vừa tham gia ký kết và đang trong quá trình trình Quốc hội phê chuẩn.

Diễn đàn là cơ hội để các đối tác cùng nhau đánh giá những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong hơn hai thập kỷ vừa qua, kể từ khi Bộ Luật Lao động được thông qua năm 1994. Các đối tác ba bên ghi nhận những bước tiến đáng kể trong những năm qua trong việc đặt nền móng cho hệ thống quan hệ lao động tại Việt Nam, bao gồm việc sửa đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức công đoàn cũng như tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động; các quy định về hoạt động đối thoại xã hội và thương lượng thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động và đình công; xác định lương tối thiểu. Cùng với đó, năng lực quan hệ lao động của các chủ thể trong cơ chế ba bên ở các cấp cũng được nâng lên từng bước.

Ba bên cũng nhận diện những cơ hội và thách thức về quan hệ lao động đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam cũng như những tác động được dự báo từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Trên cơ sở đó, Diễn đàn thảo luận cách thức đổi mới để hệ thống quan hệ lao động hoạt động hiệu quả hơn, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thiết chế quan hệ lao động gắn với tăng cường năng lực của các chủ thể quan hệ lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước về quan hệ lao động và thanh tra lao động. Việc đổi mới này nhằm hướng tới quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung của xã hội, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO.

Thông qua các cuộc thảo luận, chúng tôi cũng lưu ý rằng tất cả các đối tác, bao gồm cả các công ty đa quốc gia và các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần tiếp tục những nỗ lực thực hiện nghiêm luật pháp quốc gia cũng như tuân thủ các nguyên tắc và quyền lao động cơ bản được quốc tế thừa nhận, đồng thời cố gắng đảm bảo phân phối công bằng các lợi ích kinh tế có thể thu được từ các hiệp định thương mại tự do.

Là một Quốc gia thành viên của ILO và là một đối tác tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác trong việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động, bao gồm cả nỗ lực nghiên cứu khả năng phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Theo dự kiến, Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam sẽ là diễn đàn ba bên cấp cao được tổ chức định kỳ, nơi lãnh đạo của các đối tác ba bên cùng với các đối tác khác và ILO đánh giá những tiến bộ và thành tựu đã đạt được cũng như những thách thức và tồn tại trong việc thực hiện luật pháp quốc gia và những cam kết quốc tế của Việt Nam về lao động. Các đối tác cam kết sẽ nỗ lực hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể để hiện thực hóa những khuyến nghị do Diễn đàn đưa ra./.