COVID-19

Việc làm trên đà hồi phục hậu COVID-19 nhưng vẫn chưa thể quay lại mức ban đầu trước dịch

Dữ liệu lao động việc làm của Việt Nam mới được công bố với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO cho thấy 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Tin | Ngày 06 tháng 1 năm 2021
© ILO/Nguyễn Việt Thanh
HÀ NỘI – Thị trường lao động Việt Nam đã chứng kiến những xu hướng hồi phục khả quan trong quý IV năm 2020, nhưng các chỉ số về tỷ lệ tham gia thị trường lao động, số lượng và chất lượng việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID 19.

Báo cáo mới được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố vào ngày 6 tháng 1 cho thấy, trong toàn bộ năm 2020, tổng số 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trên cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, với hơn 70% người lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, nơi đại dịch đã để lại di chứng lên khoảng hai phần ba số lao động.

Theo “Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020” được ILO hỗ trợ kỹ thuật, các chỉ số về thị trường lao động của Việt Nam tiếp tục trên đà hồi phục của quý III năm 2020.

Cả nước đã có thêm gần 400,000 việc làm trong ngành sản xuất và hơn 360,000 việc làm trong ngành dịch vụ vào quý cuối cùng của năm 2020 so với quý trước đó.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 tăng lên mức 55,1 triệu người. Điều đó có nghĩa là có thêm khoảng 564.000 người Việt Nam tham gia vào các hoạt động kinh tế so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, báo cáo của GSO cho thấy lực lượng lao động vào thời điểm tháng 12 năm 2020 vẫn thấp hơn (860.000 người) so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm các cơ hội việc làm, trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện vẫn tăng lên hàng năm."

Bà Valentina Barcucci, Chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam
“Những người không thuộc lực lượng lao động được gọi là những người ‘không tham gia hoạt động kinh tế’. Vào thời điểm họ được khảo sát trong khuôn khổ điều tra của GSO, họ đang không làm việc và, xét đến bối cảnh kinh tế lúc đó, họ cũng không cố tìm việc,” bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, cho biết. “Tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm các cơ hội việc làm, trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện vẫn tăng lên hàng năm. Lũ lụt lịch sử ở miền Trung có thể cũng đã góp phần làm xấu thêm tình hình ở một số khu vực của đất nước.”

Đối với những người có việc làm, báo cáo của GSO cho thấy nhìn chung chất lượng việc làm ở mức thấp hơn so với năm trước.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào thống kê thuộc GSO, nhận định: “Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây.”

Quý IV năm 2020 có 20,9 triệu lao động có việc làm phi chính thức (trong khu vực phi nông nghiệp) – tương ứng tỷ lệ 56,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của người lao động thường tăng cao vào các quý cuối cùng của năm, nhưng trong năm 2020 lại ở mức thấp hơn năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2020 là 5.502 nghìn đồng, và thu nhập bình quân tháng của cả năm là 5.497 nghìn đồng, giảm 2,3% so với năm 2019.

“Điều này sẽ tác động ngược lại tới nền kinh tế, do các hộ gia đình có ít tiền túi hơn để đảm bảo tính bền vững của tiêu dùng nội địa, của cả nền kinh tế, và việc làm,” bà Barcucci cho biết thêm.

Theo chuyên gia kinh tế lao động của ILO, những phát hiện từ các điều tra lao động việc làm có thể cung cấp nhiều thông tin quý báu cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

“Trong suốt năm 2020, các cuộc điều tra lao động việc làm đã đóng một vai trò quan trọng, cho thấy COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và người lao động Việt Nam,” bà nói. “Tôi tin rằng điều tra lao động việc làm sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến độ phục hồi trong những tháng tiếp theo.”