Việc làm tốt hơn

Báo cáo ghi nhận những cải thiện rõ rệt tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Tin | Ngày 13 tháng 7 năm 2020
© ILO/Nguyễn Việt Thanh
HÀ NỘI – Báo cáo thường niên mới nhất của chương trình Better Work Việt Nam (thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế) đã ghi nhận những cải thiện đáng kể về điều kiện lao động tại các doanh nghiệp dệt may tham gia chương trình.

Theo số liệu báo cáo, 72% trong tổng số 295 doanh nghiệp Chương trình thực hiện đánh giá trong năm 2019 chỉ có hai hoặc ít hơn hai vi phạm được báo cáo công khai. Chương trình đã giúp giảm tỷ lệ vi phạm về Hệ thống quản lý An toàn Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) từ mức 52% trong năm 2011 xuống còn 32% trong năm 2019. Ngoài ra, tỉ lệ vi phạm về bảng lương giảm từ 42% trong năm 2011 xuống còn 13% trong năm 2019.

Về chặng đường phía trước, chúng tôi cam kết phát huy tối đa hiệu quả của chương trình thông qua cách tiếp cận phát triển bền vững và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan đối tác."

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work khu vực Châu Á
“Chương trình Better Work Việt Nam tự hào vì đã có những đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp dệt may trong hơn 10 năm qua. Về chặng đường phía trước, chúng tôi cam kết phát huy tối đa hiệu quả của chương trình thông qua cách tiếp cận phát triển bền vững và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan đối tác. Better Work luôn chú trọng đổi mới sáng tạo bởi đây là tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ chương trình, tạo nền tảng phát triển bền vững và tiền đề trong những năm tiếp theo cho hoạt động của Chương trình tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ phối hợp ngày càng hiệu quả với các cơ quan đối tác trong chặng đường phát triển sắp tới,” bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work khu vực Châu Á chia sẻ.

Better Work là chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2009 với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giầy. Trong một thập kỷ qua, Chương trình đã ghi nhận những tiến bộ rõ rệt của các doanh nghiệp, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân ngành may mặc cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam và toàn cầu.

Đến nay, đã có hơn 360 doanh nghiệp sử dụng trên 600.000 lao động tham gia Chương trình. Better Work Vietnam cung cấp một gói dịch vụ cho tất cả các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, bao gồm dịch vụ đánh giá, tư vấn và đào tạo.

Các số liệu trong Báo cáo thường niên 2019 của Better Work Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá tại 295 doanh nghiệp được thực hiện trong năm 2019.

Hiện trạng tuân thủ

Thông qua Cổng thông tin công khai những vi phạm chính từ các đánh giá của Better Work, Chương trình đã ghi nhận những cải tiến đáng kể trong các nhà máy tham gia trong một vài lĩnh vực như ATVSLĐ, minh bạch về bảng lương, cải thiện tính độc lập của công đoàn trong quá trình ra quyết định.

Tương tự như những năm trước đây, các vi phạm về sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức rất hiếm trong các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Tuy nhiên, tỷ lệ không tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan đến an toàn và sức khỏe người lao động còn tồn tại dai dẳng. Một số vi phạm phổ biến là về hệ thống báo cháy, bộ phận y tế cơ sở và an toàn điện. Ngoài ra, vi phạm quy định về giới hạn làm thêm giờ vẫn phổ biến và tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại trong ngành.

Báo cáo thường niên 2019 của Better Work Vietnam cung cấp một bức tranh tổng quan về ngành dệt may để tăng cường đối thoại và cùng nhau hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của ngành.

“Chúng tôi luôn hỗ trợ Chương trình Better Work Việt Nam và kêu gọi các cơ quan đối tác cùng chung tay tham gia hỗ trợ để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp may Việt Nam,” bà Nguyễn Hồng Diệp, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Lao động - Thương binh, và Xã hội, kiêm Chủ tịch Ban Tư vấn Chương trình Better Work Việt Nam khẳng định.

Trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đạt 39 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức và ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng do đại dịch COVID-19. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này cần sự chung tay, nỗ lực của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng. Chương trình Better Work Vietnam đang phối hợp với các cơ quan đối tác cấp quốc gia và toàn cầu để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động, giúp các doanh nghiệp và Chính phủ vượt qua thách thức do đại dịch COVID-19.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng xem Báo cáo thường niên Better Work Vietnam, bản tiếng Việt và tiếng Anh tại đây.