Thanh tra lao động

Chiến dịch tăng cường tuân thủ pháp luật ngành gỗ Đồng Nai

Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019 bao gồm các nhóm hoạt động khác nhau như thanh tra, đào tạo, tập huấn, truyền thông, nhằm tăng cường nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong ngành chế biến gỗ.

Tin | Ngày 12 tháng 1 năm 2020
ĐỒNG NAI – Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019 đã giúp ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là chiến dịch diễn ra trên toàn quốc với Đồng Nai là địa bàn trọng điểm. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được triển khai với hơn 120 doanh nghiệp chế biến gỗ có số lượng lao động lớn của tỉnh, và 49 doanh nghiệp lớn đã được thanh tra.

Phát biểu tại hội thảo tổng kết chiến dịch tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 10/11, ông Nguyễn Văn Cảnh, chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết các doanh nghiệp đều có vấn đề về tuân thủ, nhưng họ đã cải thiện nhiều nhờ có chiến dịch.

Có tới 73,5% số doanh nghiệp vi phạm về làm thêm giờ (quá quy định), và các lĩnh vực vi phạm chủ yếu khác bao gồm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân và tổ chức khám sức khỏe định kỳ.

Nhiều doanh nghiệp chưa triển khai thiết thực quy chế đối thoại doanh nghiệp giữa ban giám đốc và người lao động, chưa phân loại đầy đủ lao động làm công việc độc hại (gắn với chế độ cho người lao động bao gồm lương cao hơn, nghỉ phép nhiều hơn, về hưu sớm hơn).

Có tổng số 19 quy định xử phạt hành chính được đưa ra trong chiến dịch với tổng số tiền phạt là 868 triệu đồng.

“Cho tới nay hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện kiến nghị của thanh tra,” ông Cảnh cho biết.

Theo ông, chiến dịch thanh tra lao động 2019 đã giúp cải thiện quan hệ lao động hài hòa trong ngành chế biến gỗ của tỉnh, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động và đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Người lao động ngành gỗ thuộc công ty San Lim tham dự một sự kiện nâng cao nhận thức về pháp luật lao động.

Được khởi động vào tháng 3/2019, chiến dịch do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua dự án Khung khổ Quan hệ Lao động Mới do Chính phủ Mỹ tài trợ.

Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 8,5 tỷ USD. Con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

“Chiến dịch thanh tra lao động 2019 tập trung vào ngành gỗ bởi các tác động tiêu cực trực tiếp của việc không tuân thủ pháp luật lên tính mạng của rất nhiều người lao động trong ngành này,” bà Đỗ Thị Thu Hương, điều phối viên của dự án, cho biết. “Điều kiện làm việc của những nam nữ công nhân này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khát vọng tăng trưởng của ngành gỗ nếu không được tác động và khắc phục kịp thời."

Chiến dịch bao gồm các nhóm hoạt động khác nhau như thanh tra, đào tạo, tập huấn, truyền thông, nhằm tăng cường nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong ngành chế biến gỗ.

Thi tìm hiểu pháp luật cho người lao động qua tin nhắn


Trong khuôn khổ của chiến dịch, 2,500 người lao động thuộc công ty San Lim tại Đồng Nai đã được tăng cường kiến thức về pháp luật lao động thông qua một cuộc thi trên nền tảng tin nhắn được tổ chức trong thời gian 1 tháng vào cuối năm 2019.

Sổ tay hướng dẫn, loa phát thanh được sử dụng để truyền tải thông tin đến với người lao động tham gia cuộc thi thông qua tin nhắn điện thoại di động.

Lễ tổng kết và trao thưởng cho những người đoạt giải đã diễn ra vào ngày 11/1/2020.

Năm giải chung kết đã được trao cho các cá nhân và đồng đội, đồng thời Ban tổ chức cũng đã trao 59 giải ngày và 24 giải tuần.

Các công nhân được giải trong cuộc thi tìm hiểu pháp luật đợi đến lượt nhận giải.

Anh Bùi Văn Nghĩa, công nhân nhà máy, cho biết anh đã biết thêm nhiều quyền lợi hợp pháp của mình thông qua cuộc thi.

“Trước đây tôi không hề biết là không được phép làm tăng ca quá 300 giờ một năm. Bây giờ thì tôi đã hiểu,” anh nói.


* Dự án Chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 4 triệu USD.