Hợp tác ILO-Việt Nam

Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững đạt kết quả tốt sau nửa chặng đường

ILO đã và đang cung cấp hỗ trợ thông qua tư vấn chính sách, tăng cường năng lực và hợp tác kỹ thuật nhằm mở ra các cơ hội cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận với việc làm tốt hơn và có tiếng nói trong những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Tin | Ngày 18 tháng 7 năm 2019
Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee phát biểu tại sự kiện
HÀ NỘI – Theo đánh giá tại hội thảo rà soát giữa kỳ được tổ chức vào ngày 17/7/2019 tại Hà Nội, khuôn khổ hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về thúc đẩy việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021 đã đạt được những kết quả rõ rệt.

Chương trình hợp tác quốc gia của Việt Nam về việc làm bền vững (DWCP) chu kỳ thứ ba do ILO và các đối tác ba bên gồm Chính phủ, các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động được khởi động từ năm 2017, xác định ba ưu tiên quốc gia cần được chú trọng giải quyết trong năm năm tiếp theo. Ba ưu tiên quốc gia đó là: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Cùng với các đối tác là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ILO cung cấp hỗ trợ thông qua tư vấn chính sách, tăng cường năng lực và hợp tác kỹ thuật nhằm mở ra các cơ hội cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận với việc làm tốt hơn và có tiếng nói trong những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể. Một số kết quả đáng chú ý bao gồm dự thảo Bộ luật Lao động đã được trình Quốc hội, báo cáo khảo sát ban đầu về khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam, điều tra quốc gia mới về lao động trẻ em, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác cải cách bảo hiểm xã hội và tiền lương quốc gia, và tiến bộ đạt được trong việc áp dụng những mô hình mới nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể và đối thoại xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã phê chuẩn thêm ba công ước của ILO, gồm có Công ước cơ bản số 98 về thương lượng tập thể (vào ngày 5/7/2019) và hai công ước kỹ thuật là Công ước số 88 về dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về việc làm cho người khuyết tật.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐTBXH), cho biết: “Qua gần 2 năm thực hiện, DWCP đã đạt được những mục tiêu đáng khích lệ, rải đều trên cả 03 lĩnh vực ưu tiên mà các đối tác 3 bên và ILO đã cùng nhau xác định…”

Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời cũng nhắc tới một số những trở ngại mà Việt Nam phải vượt qua.

“Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và tính bền vững; phát triển nguồn nhân lực, việc làm và việc làm xanh đặc biệt là cho thanh niên; bảo trợ xã hội và việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế, công tác quản trị thị trường lao động là những lĩnh vực then chốt cần được các nhà hoạch định chính sách và người dân xem xét cẩn thận,” TS Lee cho biết.

Ông nói thêm rằng, các ưu tiên của chương trình DWCP được các chuyên gia đánh giá là vẫn còn phù hợp để đối tác ba bên tiếp tục nỗ lực thực hiện nhằm đạt được các kết quả dự kiến vào năm 2021. Tuy nhiên, do thời điểm đánh giá giữa kỳ lần này trùng với giai đoạn Chính phủ Việt Nam đang đánh giá tổng kết chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 cũng như bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, nên việc làm nổi bật các vấn đề liên quan đến việc làm thỏa đáng như một ưu tiên trong chương trình nghị sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo ILO, việc làm thỏa đáng (trước đây được gọi là việc làm bền vững) được định nghĩa là “việc làm năng suất cho phụ nữ và nam giới trong điều kiện tự do, bình đẳng, an toàn và nhân phẩm được tôn trọng”. Việc làm thỏa đáng đặt ra một cách tiếp cận có hệ thống cân bằng và toàn diện nhằm theo đuổi những mục tiêu về việc làm đầy đủ và năng suất với chất lượng được chấp nhận trên toàn cầu, ở cấp khu vực, quốc gia, ngành và địa phương. Việc làm thỏa đáng bao gồm bốn trụ cột – tiêu chuẩn và quyền trong lao động, tạo việc làm và phát triển doanh nghiệp; bảo trợ xã hội, quản trị và đối thoại xã hội.

“’Việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người’ là một khẩu hiệu và sứ mệnh đầy ý nghĩa, do vậy để càng nhiều người biết và tham gia vào Khung Chương trình Việc làm Thỏa đáng là mục tiêu của Đối tác Ba bên,” ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTBXH, cho biết.