Lao động trẻ em

Liên minh quốc gia là trọng tâm của công tác phòng chống lao động trẻ em tại Việt Nam

Diễn đàn quốc gia vừa được tổ chức kêu gọi mở rộng khung khổ pháp lý tới khu vực kinh tế phi chính thức, nơi tập trung phần lớn lao động trẻ em.

Tin | Ngày 25 tháng 6 năm 2018
HÀ NỘI – Xây dựng và thúc đẩy liên minh quốc gia nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và nạn buôn bán người đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em tại Việt Nam.

Đây là một trong những kết luận tại Diễn đàn quốc gia về phòng chống lao động trẻ em "Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và ILO đồng tổ chức vào ngày 25/6 tại Hà Nội.

Trên thế giới, Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em – hay còn gọi là Liên minh 8.7 – được khởi động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ các quốc gia hoàn thành điều 7 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8: một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em dưới mọi hình thức.

Ước tính toàn cầu về lao động trẻ em 2017 cho thấy toàn thế giới có 152 triệu em ở độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em, trong đó 73 triệu đang tham gia các công việc độc hại nguy hiểm.

Tất cả trẻ em đều có quyền được lớn lên mà không phải tham gia bất cứ hình thức lao động trẻ em nào,"

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee
"Tất cả trẻ em đều có quyền được lớn lên mà không phải tham gia bất cứ hình thức lao động trẻ em nào," Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, phát biểu.

"Lao động trẻ và trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các em ít có khả năng đánh giá được rủi ro tại nơi làm việc so với người lớn."

Do đó, ILO, phối hợp cùng các cơ quan Liên Hợp Quốc, hỗ trợ Bộ LĐTBXH thành lập Liên minh Quốc gia 8.7, nơi các đối tác và các bên liên quan có thể cùng hợp tác phòng chống lao động trẻ em.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ Trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: "Điều quan trọng để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng ta cần có sự tham gia tích cực, sự liên minh, liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng."

Theo Thứ Trưởng, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan, bao gồm Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật An toàn và Vệ sinh Lao động, Luật Trẻ em, cũng như Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Một công cụ quan trọng trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em là danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên.

Tuy nhiên do phần lớn lao động trẻ em đang tập trung chủ yếu tại khu vực kinh tế phi chính thức, Giám đốc ILO Việt Nam chỉ ra sự cần thiết phải mở rộng diện bảo phủ của khung khổ pháp lý nhằm phòng ngừa lao động trẻ em tại tất cả các ngành kinh tế.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Công ước 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc.

Tại Việt Nam, ILO hỗ trợ Chính phủ, tổ chức người lao động và người sử dụng lao động trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em thông qua dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam" với sự tài trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ.