Quan hệ lao động

Nghị quyết mang tính lịch sử định hướng tiến trình cải cách tiền lương tại Việt Nam

Là một trong hai văn bản quan trọng được ban hành sau Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào ngày 7-12/5/2018, Nghị quyết số 27-NQ/TW ghi nhận những gợi ý của ILO liên quan đến cải cách chính sách tiền lương tại Việt Nam.

Tin | Ngày 31 tháng 5 năm 2018
HÀ NỘI – Ban chấp hành trung ương Đảng vừa ban hành một nghị quyết mới, thể hiện quyết tâm của Việt Nam đối với cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường cam kết và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 ghi nhận quan điểm chỉ đạo “Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Đối với khu vực công, Nghị quyết xác định vấn đề chính nằm ở hệ thống mức lương cơ sở với hệ số phức tạp và quá nhiều loại phụ cấp. Nghị quyết chỉ ra cần xây dựng một hệ thống tiền lương mới cho khu vực công, gắn với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ, và tới năm 2021, mức tiền lương thấp nhất bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu trả lương trong khu vực công cần bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động, nghĩa là dần tiến tới bình đẳng về trả lương giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp.

Cấu phần về lương trong khu vực công của Nghị quyết là một sự đột phá đối với không chỉ hệ thống tiền lương khu vực công, mà cả đối với quản trị khu vực công,"

Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee
“Cấu phần về lương trong khu vực công của Nghị quyết là một sự đột phá đối với không chỉ hệ thống tiền lương khu vực công, mà cả đối với quản trị khu vực công,” Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, nhận định. “Hệ thống tiền lương lỗi thời và phức tạp trong khu vực công là một nút thắt lớn đối với phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Nghị quyết đã đưa công cuộc cải cách tiền lương ở khu vực công vào đúng quỹ đạo, do đó sẽ mang lại những bước tiến dần dần nhưng vững chắc để cải thiện hiệu suất của khu vực công.”

TS Lee cũng cho biết, như người ta thường nói rằng nhiều việc thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều, vậy nên “cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho chương trình cải cách ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn”.

Đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị quyết ghi nhận đúng đắn vai trò của tiền lương tối thiểu là “mức sàn [tiền lương] thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế”, đồng thời coi tiền lương tối thiểu là “căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động”. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Hội động Tiền lương Quốc gia trong việc định kỳ điều chỉnh mức lương tối thưởng trên cơ sở cân nhắc đầy đủ yếu tố năng suất lao động và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Nghị quyết chỉ ra vai trò của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể còn hạn chế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay và ghi nhận rằng “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”. Nghị quyết nhấn mạnh “thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động” là cơ sở để xác định tiền lương tại cấp doanh nghiệp. Do đó, Nghị quyết đề cao nhu cầu “nâng cao vai trò và năng lực của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, cấu phần về lương khu vực doanh nghiệp của Nghị quyết phản ánh rõ nét những nguyên tắc căn bản của ILO, trong đó nhấn mạnh vai trò của đối thoại xã hội, và cụ thể là vai trò của thương lượng tập thể, trong xác lập tiền lương và điều kiện làm việc trong nền kinh tế thị trường.

Ông nhận định: “Nghị quyết cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, và sẵn sàng để phê chuẩn Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể trong tương lai gần.”

Đồng thời, TS Lee đánh giá cao khẳng định của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung, về kế hoạch trình hồ sơ Công ước 98 để phê chuẩn vào năm 2019, năm kỷ niệm 100 năm thành lập ILO.

Tại cuộc họp với Giám đốc ILO Việt Nam vào ngày 23/5, Bộ trưởng đánh giá cao những hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của ILO đối với quá trình chuẩn bị cho hai nghị quyết quan trọng.

Cũng vào ngày 23/5, Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng được ban hành, chỉ đạo công cuộc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. ILO Việt Nam sẽ sớm đăng tải bài viết về văn bản quan trọng này.

_________
* Dự án Chương trình Khung khổ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 3 triệu USD.

* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.