Vấn đề chính sách

Việt Nam nghiên cứu trả lương khu vực công theo cấp bậc, vị trí; thay đổi từng bước bảo hiểm xã hội

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham vấn ILO Việt Nam về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội trong khuôn khổ xây dựng đề án cải cách quan trọng của đất nước.

Tin | Ngày 09 tháng 11 năm 2017


HÀ NỘI – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với ILO Việt Nam vào ngày 8/11 liên quan tới đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, dự kiến sẽ được Trung ương xem xét thông qua vào tháng 5/2018.

Phó Thủ tướng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công, lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị từ Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee, và chuyên gia cao cấp của ILO về bảo trợ xã hội, Nuno Cunha.

Ghi nhận sự phức tạp của những thách thức chính sách về cải cách tiền lương trong khu vực công và tư, cũng như của hệ thống bảo hiểm xã hội, Phó thủ tướng cho rằng: “Đây là một vấn đề rất nhạy cảm vì liên quan đến hầu như tất cả những người trong độ tuổi lao động cũng như đã nghỉ hưu.”

Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và một số điều chỉnh vào năm 2004.

Trong tháng 10 vừa qua, Hội nghị Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, và Nghị quyết 19 về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm gần 60.000 tổ chức với khoảng 2.6 triệu người đang hưởng lương. Mục tiêu là đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế.

Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “Vì bản chất của vấn đề, không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước khác, các chính sách quốc gia về tiền lương và bảo hiểm xã hội là một trong những vấn đề chính sách gây nhiều tranh cãi nhất; và không dễ gì Chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động có thể đạt được đồng thuận về những mảng này.”

Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng về xác lập tiền lương tối thiểu thông qua sự ra đời của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào năm 2013. Tuy nhiên, theo người đứng đầu của ILO Việt Nam, đất nước vẫn cần cải thiện công tác thống kê về tiền lương và tăng cường năng lực phân tích của Ban thư ký của Hội đồng Tiền Lương Quốc gia để có thể đo lường chính xác tác động của những điều chỉnh về lương tối thiểu đối với tiền lương và việc làm.

“Có thể cân nhắc sự tham gia của các chuyên gia độc lập vào quá trình xác lập tiền lương tối thiểu, nếu cần thiết,” ông nói.

TS Lee đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương lượng tập thể như một hình thức chủ đạo để xác lập tiền lương trong các nền kinh tế thị trường. Nhưng thương lượng tập thể hiện vẫn chưa phát triển tại Việt Nam. Ông nhận định rằng Việt Nam cần ưu tiên phê chuẩn và áp dụng Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể (Công ước 98), cũng như một số công ước khác, như yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Về cải cách tiền lương trong khu vực công, các vấn đề quan trọng mà Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh bao gồm phạm vi của khu vực công, và kế hoạch về lâu dài để đạt được bình đẳng về tiền lương giữa khu vực công – tư.

“Hệ số nhân phức tạp có thể là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề về tiền lương trong khu vực công,” ông nhận định. Ông giải thích thêm rằng hệ thống lương theo hệ số hiện nay làm mờ đi sự khác biệt giữa các cấp bậc khác nhau, phá vỡ hệ thống phân cấp trong đơn vị, thiếu vai trò về tiền lương, và khiến nhiệm vụ kiểm soát tổng tiền lương rất khó khăn.

Về giải pháp thay thế, ông khuyến nghị nên thiết lập lương cơ bản theo cấp bậc và phụ cấp nên ở dạng số tuyệt đối, trong khi các hệ số có thể được sử dụng để phản ánh sự khác biệt theo vùng miền.

Cải cách bảo hiểm xã hội

Chuyên gia cao cấp của ILO, ông Nuno Cunha, nhấn mạnh tới tính phức tạp và quan trọng của vấn đề này.

Ông nói: “Một xã hội đang già hóa dân số nhanh và tỷ trọng quá lớn của nền kinh tế phi chính thức tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với đất nước. Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam ở trong tình trạng đó. Quan trọng là, chúng ta cần hiểu rằng cải cách là một cấu phần bình thường trong sự phát triển của tất cả các hệ thống an sinh xã hội.” Theo ông, cần đảm bảo rằng cải cách được thực hiện dần từng bước và phải dựa trên nền tảng những kết quả đã đạt được.

Các quyết định đưa ra nên phải dựa trên bằng chứng, do đó cần cân nhắc tới kết quả của các nghiên cứu dự báo tài chính quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời cả kinh nghiệm các nước khác đã cải cách hệ thống của họ như thế nào. Ông Cunha cho rằng, vì một số biện pháp thực hiện sẽ có tác động lớn đối với người lao động và doanh nghiệp, nên việc tham vấn và truyền thông đóng vai trò quan trọng để cải cách thành công.

“Việc mở rộng được bảo hiểm y tế ở Việt Nam cho thấy rằng mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội là có thể làm được. Một số quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc hay Timor Lester cũng đã làm được điều này đối với hệ thống lương hưu của họ,” ông nói.

Theo chuyên gia của ILO, Việt Nam nên nghĩ rộng khỏi lối mòn, dựa trên kinh nghiệm của chính mình, tăng cường ngân sách cho an sinh xã hội, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục đăng ký đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ sở kinh doanh hộ gia đình.

Cốt lõi của sự thành công trong việc mở rộng độ bao phủ chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mảng dịch vụ khác nhau, ông giải thích. “Chẳng hạn, ở khu vực Mỹ Latin, sự phát triển của một hệ thống kết hợp đóng góp của thuế và bảo hiểm xã hội là cần thiết để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong hệ thống.”

Đánh giá cao những khuyến nghị của ILO, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ILO Việt Nam tiếp tục cung cấp những kinh nghiệm quốc tế và có đề xuất cụ thể về vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội trong thời gian tới để hỗ trợ đề án cải cách quan trọng của đất nước.

“Tôi đặt niềm tin vào sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO,” ông chia sẻ.