Lao động di cư

Việt Nam khuyến nghị về lao động giúp việc gia đình tại diễn đàn khu vực

Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư lần thứ 10 với chủ đề "Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc trong khu vực ASEAN" diễn ra cùng thời điểm với kỷ niệm 6 năm ngày công ước của ILO về người giúp việc gia đình ra đời.

Tin | Ngày 25 tháng 10 năm 2017
HÀ NỘI -- Đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng các bên liên quan tại Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ASEAN phê chuẩn Công ước của ILO về người giúp việc gia đình và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương này.

Đây là một trong những khuyến nghị mà đoàn đại biểu Việt Nam sẽ đem tới diễn đàn khu vực diễn ra trong ngày hôm nay tại Phillipines nhằm thảo luận hướng đi để đưa việc làm tốt hơn và an toàn hơn đến với người lao động giúp việc gia đình trong khối ASEAN.

Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư lần thứ 10 với chủ đề "Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc trong khu vực ASEAN" diễn ra cùng thời điểm với kỷ niệm 6 năm Công ước số 189 của ILO về người giúp việc gia đình. Công ước quốc tế này được thông qua các nước thành viên của ILO thông qua trong năm 2011, chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề.

Phát biểu tại cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn vào ngày 9/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động -- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp cho biết Việt Nam đang xem xét phê chuẩn công ước này vào năm 2020.

Các bên liên quan cũng đồng ý về việc cần phải ký kết các hiệp định song phương giữa các nước trong khu vực về bảo hiểm xã hội cho người lao động giúp việc di cư.

Các khuyến nghị khác của Việt Nam bao gồm ký kết các thỏa thuận song phương về cơ chế khiếu nại nhằm bảo vệ quyền của người lao động có và không có giấy tờ hợp pháp, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc gia nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình, và xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho nghề giúp việc gia đình.

Bên cạnh đó, Việt Nam kiêu gọi các nước thành viên ASEAN xây dựng hợp đồng tiêu chuẩn cho người giúp việc gia đình và các tiêu chuẩn an sinh xã hội tối thiểu đối cho nhóm đối tượng này, đồng thời thiết kế giáo trình cho các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho người giúp việc gia đình.

Các doanh nghiệp tuyển dụng cũng cần tăng cường nhận thức và năng lực về các điển hình tuyển dụng công bằng, đào tạo trước khi đi, hỗ trợ lao động di cư làm giúp việc gia đình và lựa chọn đối tác, trong khi người lao động giúp việc di cư cũng cần phải tự xây dựng mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm.

Có 10 triệu người giúp việc gia đình ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Hơn 2 triệu trong số đó là lao động di cư. Họ phần lớn là phụ nữ.

Tại Việt Nam, theo Bộ LĐTBXH, số lượng người lao động giúp việc gia đình nói chung, và lao động giúp việc di cư nói riêng, được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Bộ LĐTBXH ước tính vào năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 350.000 lao động làm nghề này.

Số liệu đượcCục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đưa ra tại Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN cho thấy các thị trường chính hiện tiếp nhận lao động giúp việc gia đình Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc), Ả-rập Xê-út, Macao (Trung Quốc) và đảo Síp.

Tính tới tháng 8/2017, có khoảng 20.000 lao động giúp việc gia đình Việt Nam tại Đài Loan với 113 doanh nghiệp phái cử lao động, gần 2.300 lao động đi giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út thông qua 26 doanh nghiệp. Mức lương của lao động giúp việc tại Đài Loan tối thiểu là 17.000 Đài tệ/tháng (khoảng 12,7 triệu VNĐ) và tại Ả-rập Xê-út là 1.300 ria/tháng (khoảng 7,8 triệu VNĐ).

Người giúp việc gia đình di cư rất dễ rơi vào tình cảnh bị bóc lột và lạm dụng, do họ phần lớn phụ thuộc vào người tuyển dụng và người sử dụng lao động, làm việc trong sự cô lập và thiếu các mối quan hệ xã hội.

Một nghiên cứu mới đã đây chỉ ra rằng 61% người giúp việc gia đình tại Châu Á hoàn toàn nằm ngoài tầm bảo vệ về lao động.