Nghiên cứu lao động

Các nhà nghiên cứu lao động thảo luận tác động của pháp luật, phi chính thức hóa ngành dệt may

Hội thảo nghiên cứu lao động thường kỳ được hy vọng sẽ tăng cường sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đến vấn đề lao động và hỗ trợ các nghiên cứu sinh trẻ.

Tin | Ngày 21 tháng 3 năm 2017
HÀ NỘI - Buổi gặp mặt lần thứ tư giữa các nhà nghiên cứu về lao động tại Việt Nam, cũng là lần đầu tiên tại TP HCM, trong năm nay - sẽ được tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng vào ngày 4/4.

Hội thảo sẽ lắng nghe những phát hiện chủ yếu trong luận án tiến sỹ về những ảnh hưởng của pháp luật lao động đối với sự hiểu biết của người lao động về quan hệ lao động và sự tham gia của họ vào các tranh chấp lao động với địa bàn khảo sát chính là tỉnh Đồng Nai. Đây là luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Phượng Tú, Đại học Quốc gia Australia.

Cũng tại sự kiện, nghiên cứu sinh tại Đại học London, Joe Buckley, sẽ giới thiệu đề cương nghiên cứu sinh tiến sỹ của mình hướng đến việc xác định xem quá trình phi chính thức hóa đã diễn ra trong ngành dệt may ở các tỉnh phía Nam hay chưa và, nếu có, đã diễn ra như thế nào, cũng như tìm hiểu sự liên quan của vấn đề này với các quan hệ lao động đang trong quá trình chuyển đổi.

Trước đó, ba buổi hội thảo đã được tổ chức (hai tại Hà Nội và một tại TP HCM) với sự góp mặt của nhiều luật sư trong lĩnh lực luật lao động, các nhà kinh tế lao động và chuyên gia về quan hệ lao động.

Đây là sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế nhằm xây dựng một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu về lao động tại Việt Nam có chuyên môn trong các lĩnh vực từ xã hội, lịch sử đến kinh tế và luật pháp, để họ chia sẻ những phát hiện nghiên cứu mới nhất, đồng thời học hỏi thêm từ đồng nghiệp và chuyên gia nước ngoài.

"Nghiên cứu về các vấn đề lao động là một lĩnh vực mới tại Việt Nam," Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee chia sẻ. Theo ông, năng lực nghiên cứu trong nước vẫn còn hạn chế và hầu hết những nghiên cứu về các vấn đề lao động tại Việt Nam đều đã từng được thực hiện bởi học giả nước ngoài.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động (ERC), Đỗ Quỳnh Chi, cũng đồng tình: "Có một cộng đồng nghiên cứu lao động tích cực và chuyên nghiệp là hết sức cần thiết tại bất kỳ xã hội nào. Cộng đồng này đóng vai trò quan trọng để giúp đưa ra các chính sách dựa trên bằng chứng cụ thể, dự đoán những thay đổi trong tương lai, giải quyết các thắc mắc của xã hội hoặc các nhóm cụ thể, để quá trình xây dựng chính sách hiệu quả hơn."

Các cuộc hội thảo nghiên cứu lao động được hy vọng sẽ tăng cường sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đến các vấn đề lao động, hỗ trợ kỹ thuật cho các nghiên cứu sinh trẻ, đặc biệt là các nghiên cứu sinh tiến sỹ và giảng viên trẻ trong các trường đại học liên quan đến lao động và công đoàn.

"Đồng thời, qua việc gặp gỡ thường xuyên, các nhà nghiên cứu sẽ được kết nối với cộng đồng nghiên cứu lao động quốc tế, qua đó tăng cường năng lực trong nước," Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Hội thảo nghiên cứu lao động được tổ chức hai lần mỗi quý, một tại Hà Nội và một tại TP HCM.

Để biết thêm thông tin về các sự kiện sắp tới của cộng đồng nghiên cứu lao động, vui lòng truy cập website của trung tâm ERC.