Lao động trẻ em

Chính thức khởi động chương trình phòng chống lao động trẻ em tại Việt Nam

Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 được chính thức khởi động và hướng dẫn thực hiện trong khuôn khổ một hội thảo diễn ra vào ngày 1-2/12 tại Hà Nội.

Tin | Ngày 02 tháng 12 năm 2016
HÀ NỘI – Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 được chính thức khởi động và hướng dẫn thực hiện trong khuôn khổ một hội thảo diễn ra vào ngày 1-2/12 tại Hà Nội.


Do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xây dựng với sự hỗ trợ của ILO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Chương trình nhằm mục tiêu “Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển”.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: “Vấn đề lao động trẻ em để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, tác động đến vấn đề kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn nhân lực quốc gia”.

Đồng thời, bà khẳng định “Việc phê duyệt Chương trình cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em”.

Theo Báo cáo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, vẫn còn khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 – 17, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em.

Đồng thời, báo cáo toàn cầu của ILO cho thấy trên thế giới có khoảng 168 triệu lao động trẻ em và một nửa trong số đó phải làm các công việc nặng nhọc độc hại và các hình thức lao động tồi tệ nhất.

“Mặc dù những thách thức vẫn ở phía trước, chúng ta có thể lạc quan về tương lai, bởi Việt Nam đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đấu tranh chống lại lao động trẻ em, thông qua Hiến pháp, và việc phê chuẩn hai công ước cơ bản của ILO về lao động trẻ em – Công ước số 138 và số 182, và Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và bắt buộc,”Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết.

TS Lee khẳng định “ILO hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã đạt được một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này thông qua việc ban hành Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. ILO sẽ luôn đồng hành cùng các đối tác Việt Nam để thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình.”

Buổi hội thảo do Bộ LĐTBXH, ILO và UNICEF đồng tổ chức. Trong khuôn khổ sự kiện này đã ra mắt Liên minh 8.7 tại Việt Nam – một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm chấm dứt lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ hiện đại và buôn bán người.

Buổi hội thảo đồng thời cũng xây dựng năng lực cho các đối tác liên quan và các cơ quan chủ chốt thực hiện chương trình của 15 tỉnh thành trên cả nước lập kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Hơn 150 đại biểu đã tới tham dự sự kiện, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, đại diện của Quốc hội, các bộ liên quan, các viện nghiên cứu, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, các tổ chức song phương và UN, các cơ quan truyền thông, cũng như các cơ quan chủ chốt thực hiện chương trình tại cấp địa phương.