Giải thưởng báo chí

Công bố người thắng cuộc Giải thưởng Báo chí Lao động – Việc làm lần hai

Phóng viên các báo Cần Thơ, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ và Dân Trí nằm trong danh sách được giải. Giải thưởng lần thứ hai này với tổng trị giá 100 triệu VNĐ do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổ chức Lao động Quốc tế đồng tổ chức.

Tin | Ngày 16 tháng 4 năm 2015
HÀ NỘI – Giải thưởng Báo chí Lao động – Việc làm lần thứ hai đã tìm được chủ nhân vào sáng nay (16/4) với bốn hạng mục giải tổng trị giá 100 triệu VNĐ được trao cho các nhà báo thuộc các báo Cần Thơ, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ và Dân Trí.

Tuy nhiên, giải thưởng năm nay không tìm được Giải Nhất trong số gần 200 tác phẩm dự thi.

Hai Giải Nhì với giá trị 30 triệu VNĐ bằng tiền mặt mỗi giải được chọn ra bởi một hội đồng giám khảo bao gồm đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Giải Nhì về “Việc làm cho thanh niên” được trao cho loạt bài “Thanh niên miền Tây bứt phá làm giàu” của nhóm tác giả Vũ Quốc Thái, Phạm Văn Trung, Trương Thanh Thư, báo Cần Thơ.

Giải Nhì về “Nhà báo và Pháp luật” dành cho loạt bài “Công nhân về hưu thành… người nghèo” của các tác giả Đường Loan, Hồng Hiệp, báo Sài Gòn Giải Phóng.

Trong khi đó, hai giải ba với giá trị 20 triệu VNĐ bằng tiền mặt mỗi giải được trao cho hai loạt bài điều tra – “Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê” của nhóm tác giả báo Tuổi Trẻ (Nguyễn Văn Lộc, Trần Đức Phú, Lê Văn Thành) và “Những ông chủ “lời ăn lỗ… chạy”” của tác giả Phạm Xuân Thọ đăng trên báo điện tử Dân Trí.

“Là một phóng viên trẻ, mình rất vui và tự hào được Giải Nhì của Giải Báo chí Lao động Việc làm và rằng đề tài của mình được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Đề tài của mình viết về thanh niên miền Tây bứt phá làm giàu, đó cũng là nỗi trăn trở của mình về vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long,” phóng viên Vũ Quốc Thái của báo Cần Thơ chia sẻ.

Giải thưởng Báo chí Lao động Việc làm lần thứ hai do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và ILO đồng tổ chức với mục đích khuyến khích và ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của các nhà báo viết và sản xuất những tác phẩm báo chí hay hơn, sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan đến lao động việc làm.

Tại lễ trao giải được tổ chức tại Học viện sáng nay với sự tham gia của nhiều quan khách, bao gồm Đại sứ Canada David Devine và Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trương Ngọc Nam, phát biểu: “Thực tế cho thấy, lao động - việc làm đã trở thành một mảng đề tài chủ đạo và được quan tâm hàng đầu trên các loại hình báo chí… Thông tin về mảng đề tài này luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, thể hiện thông qua phản hồi, bình luận và sự tương tác của công chúng.”

Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, báo chí đóng một vai trò quan trọng đối với các vấn đề lao động việc làm bởi báo chí giúp công chúng được thông tin về việc làm và điều kiện làm việc, cũng như tham gia điều tra, và là diễn đàn để tranh luận một cách tích cực và đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Ông nhận định: “Người dân càng được thông tin tốt hơn về những vấn đề tác động tới việc làm, Chính phủ càng dễ tìm ra những giải pháp hợp lý và phát triển những chính sách hiệu quả có được niềm tin của người lao động.”

Giải thưởng Báo chí Lao động – Việc làm lần thứ hai là một bước tiến so với giải thưởng lần thứ nhất được tổ chức năm 2014 với số lượng tác phẩm tham dự từ các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh-truyền hình tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải, hy vọng giải thưởng này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm thứ ba về cả số lượng và chất lượng của tác phẩm báo chí tham dự.

“Tôi mong rằng sẽ có nhiều nhà báo tham gia giải thưởng này hơn nữa trong năm tới và tầm cỡ của giải thưởng sẽ được mở rộng, xứng tầm với tầm quan trọng của các vấn đề lao động và việc làm tại Việt Nam,” ông phát biểu.

Danh sách các tác phẩm báo chí khác trong top 10

  • Vượt biên làm thuê, tác giả Phạm Tuấn – Chu Lương – Thanh Huyền – Nguyễn Síu, Báo Lao động Xã hội
  • Bằng đại học bỗng trở thành rào cản, tác giả Vũ Thị Ngà, Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô
  • Phó thác thân mình ở “chợ người” Sài Gòn, tác giả Lê Thị Tuyết, Báo Lao Động
  • Trách nhiệm của doanh nghiệp với việc người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp, tác giả Thu Duyên, Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam
  • Lỗ hổng trong quản lý lao động giúp việc gia đình và những vấn đề đặt ra về mặt pháp lý, tác giả Hồng Quyên – Thanh Hương – Bá Duy, Kênh VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam
  • Thị trường lao động: Nghịch lý thiếu nữ, thừa nam, tác giả Bích Ngọc – Quang Xếp, Đài Phát thanh Truyền hình Bắc Giang