Dự thảo Luật BHXH

Công thức tính lương hưu mới được hoan nghênh nhưng việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục được cân nhắc

Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội tán thành với công thức tính lương hưu mới (gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế so với hiện tại) nhưng đề nghị chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động làm công tác quản lý.

Tin | Ngày 28 tháng 5 năm 2014
HÀ NỘI - Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội tán thành với công thức tính lương hưu mới (gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế so với hiện tại) nhưng đề nghị chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động làm công tác quản lý.

Trong bối cảnh một cuộc cải cách là rất cần thiết do quỹ lương hưu đang ngày một cạn kiệt, báo cáo của Quốc hội đã đồng thuận với Chính phủ về việc thay đổi công thức tính lương hưu từ năm 2016 theo hướng tỷ lệ hưởng sẽ thấp hơn.

“Tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam hiện đang quá cao so với thế giới. Trên thực tế, đây là một trong những tỷ lệ cao nhất các chuyên gia của ILO từng biết đến,” Carlos Galian, chuyên gia tư vấn của ILO về an sinh xã hội, phát biểu trong buổi hội thảo do Quốc hội và ILO đồng tổ chức vào tối thứ ba vừa rồi.

Theo pháp luật hiện tại, lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng trong 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội đã tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng 45% lên 16 năm từ 2016 và lên 20 năm từ 2020.

Trên thế giới, hệ thống hưu trí thường cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40 đến 60%.

Những sửa đổi khác trong dự thảo luật có tính đến những khuyến nghị của ILO bao gồm mở rộng diện bao phủ BHXH đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng và đóng BHXH căn cứ vào mức lương và các phụ cấp khác thay vì chỉ căn cứ vào mức lương.

Tuổi nghỉ hưu


Dự thảo luật quy định từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Trong khi đó, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của các nhóm đối tượng còn lại sẽ bắt đầu từ năm 2020.

“Điều này để đảm bảo cân đối quỹ lương hưu”, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Hải Chuyên, phát biểu tại cuộc họp.

Luật hiện tại quy định tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Quốc hội chỉ tán thành tăng tuổi nghỉ hưu đối với “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác”.

Theo một nghiên cứu chung của ILO và Chính phủ, nếu như không kịp thời cải cách thì đến năm 2021, nguồn thu của Bảo hiểm Việt Nam sẽ tương đương với tổng chi. Toàn bộ quỹ lương hưu sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034.


“Tuổi nghỉ hưu trung bình tại Việt Nam hiện là 54 tuổi và người lao động tham gia đóng BHXH trong vòng 28 năm và được hưởng lương hưu từ 23-28 năm”, ông Galian cho biết. “Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một lựa chọn hết sức khó khăn – hoặc thực hiện cải cách dần từ bây giờ; hoặc đợi 3 đến 5 năm nữa để tiến hành cải cách mạnh tay hơn; hoặc là để mặc lao động trẻ và trung niên đối mặt với việc nghỉ hưu không có lương hưu trong tương lai gần.”

Tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể từ 66 tuổi vào năm 1990 lên đến 75 tuổi ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của những người đã sống đến 60 tuổi là 82. Con số này tương đương với các nước phát triển hơn Việt Nam như Brazil, Thái Lan và chỉ kém các nước Tây Âu 3-4 tuổi.

Theo kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư 2012, khoảng 40% người hưởng lương hưu làm việc đến 65 tuổi, mặc dù họ có thể không làm toàn thời gian. Trong khối lao động phi chính thức, khoảng 70% người lao động vẫn làm việc không thường xuyên, và khoảng 25% vẫn làm việc thường xuyên khi đã 65 tuổi.

“Cần nhìn vào những lợi ích lớn hơn của cải cách dành cho tất cả mọi người và cho xã hội nói chung”, Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki khẳng định. “Bằng chứng từ những quốc gia khác đã chỉ ra rằng người lớn tuổi được kéo dài thời gian làm việc có thể giúp họ khỏe mạnh hơn về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này cũng giúp họ hòa nhập hiệu quả hơn với xã hội và nâng cao khả năng đảm bảo tài chính cho họ”.

Số liệu của ILO chỉ ra rằng lực lượng lao động tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 4,1 triệu người từ năm 2010 đến năm 2015. Tuy nhiên sau đó, tốc độ gia tăng này sẽ chậm lại một cách đáng kể. Trong giai đoạn từ 2025 đến 2030, lực lượng lao động sẽ chỉ tăng 1,3 triệu, nghĩa là ít hơn 70% so với hiện tại.

Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì sự phát triển cũng như hiệu quả tích cực mà nó mang lại khi nguồn cung lao động đang ngày một cạn dần trong một xã hội đang già hóa nhanh.”

Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc mở rộng diện bao phủ BHXH lên đến 50% lực lượng lao động vào năm 2020, cũng như đảm bảo an toàn, cân đối tài chính của quỹ BHXH.

“Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển với nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội còn hạn hẹp”, Bà Mai cho biết thêm.