An sinh xã hội

Thu hẹp khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam có thời gian làm việc ngắn hơn, nhận lương hưu thấp hơn, nhưng tuổi thọ lại cao hơn. Để giải quyết những bất cập liên quan đến khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu, ILO hỗ trợ Việt Nam sửa đổi pháp luật lao động để tiệm cận với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Bài viết | Ngày 10 tháng 6 năm 2019
Chị Nguyễn Thu Hà
HÀ NỘI, VIỆT NAM – Với mọi con mắt đổ dồn về màn hình lớn trong trung tâm báo chí của tòa nhà Quốc hội ở giữa lòng Hà Nội cổ kính, rất nhiều phóng viên và quay phim đang chờ đợi những quyết định quan trọng từ những nhà lập pháp. Từ trụ sở của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), chị Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Ban Thời sự, cũng đang chăm chú theo dõi cuộc tranh luận về tiến trình cải cách Bộ Luật Lao động, và đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu.

Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động nhằm giải quyết những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, trong đó có vấn đề già hóa dân số, và nhằm đưa pháp luật quốc gia tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, sớm hơn 5 năm so với nam giới. Dự thảo Bộ Luật sửa đổi hướng tới tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, và của nam lên 62, từ đó thu hẹp khoảng cách giới xuống còn 2 năm.

“Tôi hy vọng các đại biểu quốc hội có thể có được cái nhìn chuẩn xác về lý do tại sao lại cần cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, và ủng hộ điều này,” chị Hà cho biết. Mới tối hôm trước, chị vừa phát sóng một chương trình bình luận về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, với mục đích cung cấp cho công chúng và các nhà lập pháp những thông tin và lập luận hữu ích về sự cần thiết phải thay đổi tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, trong đó bao gồm thu hẹp khoảng cách giới.

“Cần làm rõ sự khác nhau giữa hai câu hỏi: ‘điều đó có thuyết phục không’ và ‘có muốn điều đó không’. Không ai muốn phải lao động nhiều hơn, nhưng cần phải hiểu rằng việc thu hẹp khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu là điều bắt buộc phải làm trong tương lai,” chị nhận định.

Phải thừa nhận rằng để thay đổi nhận thức của công chúng không phải là điều dễ dàng, chị Hà vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng những khoảng cách về giới đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của đất nước.

Chị cho biết, trước đây, bản thân chị cũng không bao giờ nghĩ về chênh lệch giới trong tuổi nghỉ hưu, và cho đó là điều không có gì để tranh cãi. Chị hồi tưởng lại: “Tôi từng cho rằng nữ bao giờ cũng khác nam, nên mọi thứ, kể cả pháp luật liên quan, cũng phải khác.”

Nhận thức của chị chỉ thay đổi khi bắt đầu làm việc về lĩnh vực này, thông qua việc tham dự các hội thảo liên quan đến các vấn đề về an sinh xã hội và tuổi nghỉ hưu, dẫn dắt các cuộc thảo luận cấp cao tại các diễn đàn quốc gia, tham gia tập huấn báo chí, hay thường xuyên tiếp xúc với các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong các chương trinh của VTV. Từ đó, chị bắt đầu nhận ra những tác động tiêu cực của sự chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

“Khi đặt ra vấn đề, tôi mới thấy đây là một khảng cách lớn và rất vô lý,” chị chia sẻ. “Khoảng cách này sẽ càng ngày càng lớn hơn, do nam giới có nhiều thời gian hơn nhiều so với phụ nữ để phát triển sự nghiệp, nếu vấn đề này vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay.”

Theo đề nghị của Chính phủ, ILO đã hỗ trợ Việt Nam cải thiện pháp luật và chính sách, đặc biệt là trong tiến trình cải cách pháp luật lao động và cải cách bảo hiểm xã hội. ILO giúp đỡ về kỹ thuật, cũng như truyền thông, thông qua các hoạt động của chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới, do Bộ Lao động Hoa KỳLiên minh Châu Âu tài trợ, và dự án mở rộng an sinh xã hội trong khu vực ASEAN, do chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Từ bảo vệ đến phân biệt đối xử

Khoảng cách 5 năm chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, cũng như các khía cạnh phân biệt đối xử về giới khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, được xây dựng dựa trên giả định rằng phụ nữ nói chung yếu hơn và cần được bảo vệ.

“Sự tách rời giữa một bên là cách tiếp cận theo hướng bảo vệ của pháp luật hiện nay và một bên là năng lực đã được chứng minh và mong muốn của người phụ nữ, đã ngày một lớn hơn, và yêu cầu thay đổi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết,” chuyên gia về pháp luật lao động của ILO Việt Nam, bà Andrea Prince, cho biết. “Sự bất bình đẳng do chính khoảng cách 5 năm trong tuổi nghỉ hưu cũng khiến phụ nữ được đào tạo ít hơn, được thăng tiến ít hơn, nhận thu nhập thấp hơn trong suốt sự nghiệp.”

Số liệu cho thấy ở Việt Nam, phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Theo ILO, tuổi thọ trung bình của nhóm phụ nữ trên 60 tuổi cao hơn nam giới là 2,7 năm.

“Vì nghỉ hưu sớm hơn, phụ nữ phải nhận lương hưu thấp hơn vì họ có thời gian đóng bảo hiểm ngắn hơn, và thường là đóng theo mức lương thấp hơn cho cùng công việc mà nam giới cũng làm, trong khi họ lại sống lâu hơn,” ông Nuno Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của ILO nhận định.

Thay đổi pháp luật đồng thời cũng cần phải đi kèm sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của công chúng, và điều này không hề đơn giản.

“Việc thay đổi ý kiến của người dân nói chung là rất khó, nhưng ít nhất quan điểm của báo chí trong thời gian qua đã thay đổi theo hướng tích cực về vấn đề khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu. Ngày trước, báo chí nhìn chung thường phản đối việc cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, nhưng đến giờ hầu hết các nhà báo đã chuyển hướng sang việc nhấn mạnh tới tính cần thiết phải thực hiện điều này,” chị Hà chia sẻ.

Chị đánh giá cao những nỗ lực của ILO tại Việt Nam trong hỗ trợ cho báo chí cũng như các bên liên quan khác, thông qua việc đưa ra những lập luận chuyên gia dựa trên bằng chứng cũng như các kinh nghiệm thực tế trên thế giới.

Lúc này đây, chị vẫn đang suy nghĩ, lập kế hoạch để xây dựng thêm những chương trình khác về chủ đề này, bởi dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được thảo luận tại Quốc hội vào ngày 12/6 sắp tới, và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ hai trong năm vào tháng 10/2019.


* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.