Pháp luật chỉ là một phần, tuân thủ pháp luật mới là cốt lõi

Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster chia sẻ những ưu tiên của Đại sứ quán trong mảng Lao động và quan điểm về tuân thủ pháp luật cũng như các vấn đề về giới.

Bài viết | Ngày 29 tháng 6 năm 2015
 
Những ưu tiên của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam trong lĩnh vực Lao động việc làm hiện nay và trong những năm tới là gì, thưa bà?

Lao động là một trong những lĩnh vực mà Hà Lan tích cực hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Hà Lan được hưởng lợi từ thị trường Lao động đầy hứa hẹn này. May mặc, giầy dép, nông nghiệp bền vững, xử lý nước sạch và năng lượng là những ngành mà doanh nghiệp Hà Lan đầu tư lớn tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi có truyền thống về Trách nhiệm Xã hội doanh nghiệp (CSR) – từ đảm bảo điều kiện Lao động đến giảm thiểu tác động tới môi trường. CSR là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hà Lan và Bộ trưởng Ngoại thương Lilianne Ploumen giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc trong ngành dệt may. Các cửa hàng thời trang tại Hà Lan được khuyến khích chịu trách nhiệm trong hệ thống cung ứng. Điều này bắt đầu từ việc hiểu rõ sản phẩm được tạo ra như thế nào và ảnh hưởng của quá trình sản xuất đến xã hội và môi trường đối với những quốc gia khác. Ngoài khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào trách nhiệm xã hội, Hà Lan cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các dự án cải thiện điều kiện Lao động tại Việt Nam. Ví dụ tốt nhất có lẽ là chương trình Better Work do ILO thực hiện.

Chính phủ Hà Lan là nhà tài trợ cho dự án hiện tại của ILO về tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra Lao động nhằm nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc và cũng là một trong những nhà tài trợ cho chương trình Better Work Việt Nam. Bà nghĩ gì về tầm quan trọng của tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc?


Tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc thực sự quan trọng. Luật pháp tốt không tự nhiên dẫn đến điều kiện Lao động tốt. Luật pháp chỉ là một phần. Chính việc tuân thủ thực hiện pháp luật mới là điều cốt lõi, việc này cần được kiểm tra định kỳ. Thanh tra Lao động có vai trò chủ chốt trong việc giám sát và tư vấn. Tôi chắc chắn Việt Nam nhận thức rõ điều này nhưng đây cũng là vấn đề liên quan đến phát triển năng lực và kỹ năng để thực hiện công tác thanh tra hiệu quả. Vì vậy cần đào tạo thanh tra Lao động một cách đầy đủ nhằm giúp họ biết làm thế nào để thi hành luật và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Công việc này đòi hỏi không chỉ nhiệt huyết mà còn cần cả chuyên môn và kinh nghiệm. Thông qua dự án của ILO mà Chính phủ Hà Lan tài trợ, chúng tôi hy vọng góp phần giúp công tác thanh tra thêm hiệu quả, mang đến lợi ích nhiều hơn cho người Lao động, chủ sử dụng Lao động và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Lao động Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO đã công bố bộ Quy tắc ứng xử về Quấy rối Tình dục tại nơi làm việc. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc giải quyết vấn đề này?


Bộ Quy tắc ứng xử là bước đi quan trọng mở đầu cho cuộc chiến xóa bỏ Quấy rối Tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, bộ quy tắc không phải là đích đến cuối cùng mà là công cụ để giúp thay đổi hành vi và khởi đầu cho đối thoại. Để phòng chống Quấy rối Tình dục, việc hiểu, nhận dạng và giải quyết các hành vi đó tuy có vẻ đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa rất quan trọng. Hành vi Quấy rối Tình dục có muôn hình vạn trạng và tùy hoàn cảnh có thể được xử lý theo những cách khác nhau. Vì vậy, việc cùng trao đổi về nội dung của bộ quy tắc, cách áp dụng trong thực tế, những tình huống khó khăn là đặc biệt quan trọng. Tại Hà Lan, phòng chống Quấy rối Tình dục là một phần của cách tiếp cận rộng hơn lấy đạo đức làm trọng tâm. Đạo đức ở đây liên quan đến một tập hợp những nguyên tắc và cách ứng xử được khuyến khích áp dụng từ cấp nhân viên đến giám đốc. Vai trò lãnh đạo ở các cấp là điều kiện cần để thực thi những nguyên tắc mà bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào đề ra.

Là một người quan tâm tới vấn đề giới, theo bà, Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc?


Theo thông kế chính thức, 72% phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng Lao động. Điều này có nghĩa là số lượng phụ nữ Việt Nam có việc làm cao hơn nhiều quốc gia đang phát triển khác. Việt Nam có nhiều thành tích về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, thể hiện qua nhiều bộ luật quan trọng. Tuy nhiên, việc thực thi luật và chính sách vẫn còn là một thách thức. Phụ nữ Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với những trở ngại lớn trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả tại nơi làm việc. Họ có thu nhập thấp hơn nam giới trong nhiều ngành nghề, ít cơ hội được thăng tiến, đào tạo hơn so với nam giới và chiếm đa số trong khu vực kinh tế phi chính thức. Theo tôi, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để xã hội thấy rằng cải thiện bình đẳng giới trong các doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích. Chủ sử dụng Lao động tuyển dụng, giữ chân và đào tạo Lao động nữ sẽ được hưởng lợi từ nguồn nhân tài dồi dào, từ đó tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Đối xử với phụ nữ và nam giới một cách bình đẳng là hoàn toàn đúng đắn về cả đạo đức lẫn lợi ích kinh tế.