ILO100 tại Việt Nam

Tuyên bố Thế kỷ của ILO: thay đổi trong thế giới việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta

Phỏng vấn Ông Tim De Meyer, Cố vấn cấp cao về Chính sách Tiêu chuẩn quốc tế, ILO

Bình luận | Ngày 29 tháng 9 năm 2019

Tuyên bố Thế kỷ mới được Hội nghị Lao động Quốc tế thông qua vào tháng 6/2019. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam, thưa Ông?

Điểm quan trọng trước tiên là thay đổi trong thế giới việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta.

Thay đổi là tất yếu. Thay đổi xuất phát từ công nghệ, thay đổi về nhân khẩu học, xã hội già hóa, biến đối khí hậu, di cư và toàn cầu hóa. Đó được gọi là những yếu tố thay đổi mang tính đổi mới.

Nhưng điều quan trọng không kém là chúng ta phải nhận thức được những thay đổi đó sẽ có tác động đến đời sống của chúng ta, bao gồm cả đời sống của người Việt Nam, và chúng ta không phải chấp nhận những thay đổi đó một cách thụ động. Chúng ta có thể định hình thay đổi theo ý muốn, chúng ta có thể tận dụng những thay đổi nào tốt nhất cho xã hội và cho nền kinh tế. Nhưng để làm được điều đó, điều vô cùng quan trọng là các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải nhận trách nhiệm và cùng nhau quyết định sự thay đổi và quản lý những thay đổi đó bằng những chính sách phù hợp.

Tôi xin lấy một ví dụ. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra tranh luận sôi nổi không chỉ tại Việt Nam mà ở tất cả các xã hội đang già hóa trên toàn thế giới. Nếu bạn muốn duy trì một hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả, mà điều này là cần thiết, việc tăng dần tuổi nghỉ hưu là tất yếu. Điều đó không phải lúc nào cũng tệ bởi trong nhiều trường hợp, khi con người có tuổi hơn, họ cũng muốn tiếp tục làm việc trong điều kiện phù hợp. Cả nam giới và nữ giới, những người có khả năng và mong muốn làm việc lâu hơn trong điều kiện phù hợp – và đồng thời tiếp tục đóng bảo hiểm trong thời gian đó – cần được tạo điều kiện để thực hiện mong muốn của mình. Trong khi đó, những người làm các công việc nặng nhọc nên được nghỉ hưu sớm mà vẫn có đảm bảo về tài chính. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể tránh được sự thay đổi nhưng cách chúng ta đối diện với thay đổi như thế nào là điều chúng ta có thể chi phối và các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải cùng nhau làm điều đó.

Xin Ông giải thích thêm về những nội dung chính trong Tuyên bố?

Một trong những điểm then chốt trong Tuyên bố là ILO đã thiết lập các tiêu chuẩn trong 100 năm qua, vì thế đến nay chúng ta đã có một tập hợp các tiêu chuẩn bao gồm cả những tiêu chuẩn mới được thông qua và cả những tiêu chuẩn không còn phù hợp. Tuyên bố Thế kỷ kêu gọi ILO tăng cường nỗ lực đảm bảo tập hợp các tiêu chuẩn này luôn cập nhật và đáp ứng được điều kiện về những thay đổi nhanh chóng để có thể giúp các quốc gia định hình chính sách của mình. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải đảm bảo rằng các quốc gia không tiếp tục phải có nghĩa vụ hay cam kết thực hiện những nghĩa vụ không còn hữu ích trong bối cảnh hiện nay.

Những tiêu chuẩn cơ bản tất nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng. Chúng tạo nên một môi trường mà ở đó người lao động và người sử dụng lao động, trên cơ sở độc lập và thông qua các tổ chức đại diện, có thể đóng góp ý kiến, tác động và định hình những chính sách do chính phủ xây dựng.

Có khá nhiều nội dung mới trong Tuyên bố Thế kỷ, bao gồm chuyển đổi số hay tác động của công nghệ số đối với đời sống con người. Có thể dự đoán được rằng chúng ta sẽ có nhiều tiêu chuẩn mới về cái mà chúng ta gọi là “kinh tế dựa trên nền tảng internet” mà hiện có nhiều người tìm việc làm trong khu vực kinh tế này. Cần phải đề cập tới những sự chuyển dịch này bởi nếu thay đổi trong thị trường lao động diễn ra nhanh hơn thì ít có khả năng người Việt Nam sẽ chỉ làm việc cho một người sử dụng lao động trong suốt cuộc đời họ và có lẽ họ cũng khó có thể tồn tại được nếu chỉ có một số kỹ năng nhất định. Người lao động được kỳ vọng phải tái đào tạo hay nâng cao tay nghề một số lần trong cuộc đời đi làm của họ. Vấn đề học tập suốt đời đã, đang và có lẽ vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm trong tương lai. Đây chỉ là một vài yếu tố mới nhưng về tổng thể điều này thực sự nhấn mạnh rằng thay đổi là ở chúng ta, chúng ta không phải chấp nhận thay đổi một cách mù quáng.

Vấn đề an toàn và sức khỏe lao động cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Chính vì thế, Tuyên bố Thế kỷ nêu rằng người lao động trong đó có cả người lao động Việt Nam, sẽ được hưởng quyền cơ bản là có thể về nhà sau khi hết giờ làm mà không bị thương tật hay gặp tai nạn, bao gồm cả tai nạn dẫn đến tử vong. Điều này chắc chắn sẽ có ý nghĩa đối với mức độ nhận thức về rủi ro của người sử dụng lao động và người lao động ở cấp cơ sở và đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Về nguyên tắc, quyền được sống và quyền sống một cuộc sống lành mạnh phải là quyền cơ bản của mỗi cá nhân trên hành tinh này.

Tuyên bố Thế kỷ có tính pháp lý như thế nào, thưa Ông?

Tuyên bố thì không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng điều đó không có nghĩa là tuyên bố không quan trọng. Tuyên bố tái khẳng định, và ở mức độ nào đó, cũng tái thiết lập những giá trị làm nền tảng cho những hoạt động của ILO khi tổ chức phát triển trong bối cảnh thay đổi. Vì vậy, xét về khía cạnh đó, tuyên bố là một văn bản cũng quan trọng như Hiến chương ILO khi nó đặt ra các quy trình được củng cố bởi các giá trị để tổ chức có thể vận hành.

Tuyên bố Thế kỷ phản hồi với những thay đổi có tác động đến đời sống việc làm của chúng ta. Điều không thay đổi ở đây là cách chúng ta cần ứng phó với những thay đổi đó như thế nào, cụ thể là bằng các hành động ba bên hay các hành động mang tính quy phạm. Hai trụ cột này sẽ luôn được duy trì và vì vậy, việc tuân thủ những nghĩa vụ pháp lý hay phê chuẩn các tiêu chuẩn vẫn đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là còn quan trọng hơn trước kia. Đó là vì các tiêu chuẩn quốc tế cũng có vai trò nhất định trong việc cân bằng sân chơi nơi diễn ra tự do hóa thương mại. Nếu điều kiện làm việc và vận hành của người lao động và người sử dụng lao động của một quốc gia về cơ bản khác với điều kiện của đối tác thương mại, chắc chắn quốc gia đó sẽ gặp khó. Vì vậy, bạn cần phải tìm cách cân bằng tình trạng này ít nhất là ở một mức độ nào đó.