Bình luận

Không chỉ dừng ở những chiến dịch online, loại bỏ nạn quấy rối tình dục cần luật pháp và hành động cứng rắn

Bà Andrea Prince, chuyên gia Luật Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

Bình luận | Ngày 24 tháng 5 năm 2019

Trong những năm gần đây, đã có nhiều chiến dịch được khởi xướng trên mạng về vấn đề quấy rối tình dục, đặc biệt phải kể đến phong trào #metoo, lan truyền một cách chóng mặt trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam. Các phong trào như vậy đã có tác dụng mạnh mẽ hướng sự chú ý tới chủ đề quấy rối tình dục, và mang tính cách mạng vì đã làm chủ đề này dành được sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, để thực sự loại bỏ quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chủ đề quan trọng này thực sự phải trở thành “hành động cấp thiết” trong chính sách và hệ thống pháp luật, cũng như trong cuộc sống hàng ngày.


Tại Việt Nam, tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra khá phổ biến. Mặc dù không có số liệu chính thức về vấn nạn này tại Việt Nam, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ILO Việt Nam và Navigos Search vào năm 2015, khoảng 17% ứng viên nhân sự cấp trung được phỏng vấn cho biết chính họ hoặc một số người họ biết đã từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc.”

Trước đây, một số người cho rằng vấn đề quấy rối là bình thường, tuy nhiên với nỗ lực của các tổ chức quốc tế và ngày càng nhiều thông tin trên mạng, nhận thức về quấy rối tình dục đã được tăng lên đáng kể. Hầu hết người lao động hiện nay có được sự hiểu biết cơ bản rằng một số hành vi họ thường gặp phải tại nơi làm việc, như bình luận mang tính tình dục không được mong muốn, động chạm, đòi hỏi về tình dục, hành vi bám đuôi, đều được coi là quấy rối tình dục và không được chấp nhận.

Khiếu nại về quấy rối tình dục vẫn còn hiếm. Các nạn nhân thường cảm thấy xấu hổ về tính riêng tư của chủ đề này. Thường quấy rối tình dục liên quan tới sự mất cân bằng về quyền lực, trong đó người đi quấy rồi thường ở vị trí có thể có những cách để gây tổn hại tới nạn nhân nếu họ báo cáo, như từ chối thăng chức, sa thải hoặc từ chối không cho nhân viên đó được thưởng, hoặc gán cho người đó là “kẻ gây rối.” Nỗi sợ bị trả thù tại nơi làm việc là lý do chính khiến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng. Việc thực thi pháp luật còn yếu cũng dẫn tới việc một số nạn nhân không có nhiều động lực để tố cáo trường hợp của mình một cách chính thức.

Trong quá trình phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để đưa các nguyên tắc về việc làm thỏa đáng vào ngành dệt may thông qua chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn), ILO đã gặp một số trường hợp về quấy rối tình dục tại Việt Nam. Những trường hợp này thường có liên quan đến các đồng nghiệp ở cấp cao hơn lạm dụng công nhân ở cấp thấp hơn. Tại một nhà máy, một công nhân đã tố cáo người giám sát sản xuất của cô ấy có những hành động động chạm cơ thể và đưa ra những bình luận không phù hợp. Đây là một trường hợp hiếm hoi mà người bị quấy rối đã quyết định báo cáo lên bộ phận Nhân sự và Công đoàn của nhà máy. Tuy nhiên, nhân viên đó cuối cùng lại bị chuyển sang bộ phận khác khi người lạm dụng vẫn giữ nguyên vị trí của anh ta và không phải chịu bất cứ một hình phạt nào. Để đối phó với những tình trạng như thế này, Better Work tích cực hỗ trợ các nhà máy đưa những cam kết tự nguyện trở thành những chính sách thực tế và hành động thực tiễn, đồng thời trao quyền cho người lao động để họ có thể hiểu rõ những quyền lợi của mình và lên tiếng.

Nhìn chung, thái độ đối với nạn nhân và người quấy rối đã bắt đầu được thay đổi qua việc pháp luật quốc gia, chính sách và sáng kiến của một số nhà tuyển dụng đã được điều chỉnh đúng hướng. Điều chúng ta cần hướng tới là đảm bảo không có một sự thoả hiệp nào đối với quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới được công bố (tháng 4/2019), chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc, với việc lần đầu tiên đưa vào luật định nghĩa về quấy rối tình dục. Định nghĩa đó có thể chưa phản ảnh đầy đủ tất cả các khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên do đây mới chỉ là dự thảo, chúng ta vẫn còn thời gian để đảm bảo rằng định nghĩa đó sẽ giúp người sử dụng lao động có thể biết rõ trách nhiệm của mình, và người lao động có thể biết được quyền lợi của họ. Điều tối quan trọng nữa là cần có giải pháp thực thi mạnh mẽ và những hình phạt thích hợp. Thêm vào đó, quấy rối tình dục luôn có đất để xảy ra phổ biến hơn ở những nơi có sự mất cân bằng giới. Do vậy, mặc dù việc đưa ra định nghĩa là một bước tiến quan trọng, pháp luật cần phản ánh những yêu cầu và quyền bình đẳng tại tất cả các điều khoản. Cần nhấn mạnh rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã có những bước tiến rõ nét theo hướng này, tuy nhiên vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải tiến.

Rõ ràng là nếu chỉ cần thay đổi hệ thống luật pháp là chưa đủ để chấm dứt quấy rối tình dục. Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ cũng hết sức cần thiết, để làm nổi bật lên tác hại của quấy rối tình dục, và cho thấy không thể dung túng cho vấn nạn này tại nơi làm việc, cũng như để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới vốn liên quan đến sự mất cân bằng về cán cân quyền lực giữa hai giới trong lao động. Điều này cũng được phản ánh tại báo cáo mới đây của ILO về Phụ nữ trong Kinh doanh và Quản lý khi chỉ ra chỉ có 27% vị trí quản lý doanh nghiêp tại Việt Nam do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc có được những tiến bộ về mặt luật pháp đối với vấn đề quấy rối tình dục là một điểm khởi đầu quan trọng, đưa ra tín hiệu cho thấy Chính phủ và Đảng rất coi trọng vấn đề này và người sử dụng lao động cũng cần phải hành động tương tự.

Việt Nam đã phê chuyển Công ước của ILO về Phân biệt đối xử (Công ước 111), yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết bất bình đẳng giới, bao gồm các hành vi phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, một báo cáo của ILO và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vào tháng 3/2013 cũng lưu ý rằng nếu không có một định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Lao động hoặc trong nghị định, người lao động Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước nạn quấy rối tình dục, và điều này hoàn toàn vi phạm các quyền cơ bản.

Năm 2015, với sự hỗ trợ của ILO, Bộ LĐTBXH, cùng với Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khuyến khích áp dụng trên toàn quốc đối với tất cả các doanh nghiệp trong cả khu vực công và tư nhân. Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn thực tế cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về những hành vi được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để ngăn chặn và các bước cần thiết phải làm khi xảy ra quấy rối tình dục.

Bộ quy tắc được thiết kế để tạm lấp đầy một khoảng trống trong luật mà chúng ta đã thấy, nhưng nó không và không thể thay thế sự cần thiết phải có sự rõ ràng trong luật, và Bộ quy tắc này cũng không có hiệu lực thi hành. Khi các nhà hoạch định chính sách, đối tác xã hội, chủ doanh nghiệp và người lao động Việt Nam đều nhận ra rằng cần phải chấm dứt quấy rối tình dục, điều này cần được phản ánh trong Bộ Luật Lao động chứ không chỉ ở một Bộ quy tắc ứng xử mang tính tự nguyện. Trên toàn quốc, luật pháp phải được thiết kế để bảo vệ nạn nhân bị quấy rối tình dục. Chỉ khi đó, người dân Việt Nam mới có thể nhận thấy sự thay đổi thực sự.

________________
Dự án Chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 4 triệu USD.