OpEd

Hồ Chí Minh, quyền lao động và ILO

Bài viết của Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee

Bình luận | Ngày 23 tháng 5 năm 2018
Mỗi khi nhìn thấy bóng dáng những tài xế Grab dừng xe kiểm tra điện thoại hay đón khách trên những con phố tập nập của Hà Nội, tôi lại tự hỏi mình những câu hỏi: Người đó có phải là lao động làm thuê không? Hay là lao động tự thân? Anh ấy là một người lao động? Luật nào bảo vệ quyền của anh ấy?

Cũng có lúc tôi tự hỏi, các nhà lãnh đạo của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 70 năm về trước sẽ nói gì với những tài xế công nghệ, với những công nhân may hay nhân viên phục vụ khách sạn hôm nay? Bởi tôi dám chắc họ cũng đã từng nghĩ về những phu kéo xe trong những năm 40 thế kỷ trước ở Hà Nội.

Liệu họ có nói rằng: “Đừng lo, Nhà nước sẽ bảo vệ bạn ” - Có lẽ không. Mà họ sẽ nói rằng: “Chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo cho bạn sự bảo vệ tối thiểu. Nhưng chính bạn phải tự bảo vệ quyền của mình và đòi quyền lợi bằng cách tổ chức công đoàn, và đàm phán với người sử dụng lao động. Bạn cần làm chủ số phận của mình”.

Bạn có nghĩ các nhà lãnh đạo thời ấy sẽ nói vậy không? Tôi thì chắc chắn là có. Bởi, những bài phát biểu, bài viết và những văn bản pháp luật vào cuối thập niên 40 đã thể hiện rõ tư tưởng đó.

Sắc lệnh số 29 ban hành ngày 12/3/1947 là văn bản pháp luật lao động hiện đại đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, được thông qua bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ngôn ngữ rất đơn giản và rõ ràng, quy định một bộ các điều kiện pháp lý tối thiểu để người lao động tập hợp lại, và đàm phán với người sử dụng lao động.

Tôi tin rằng đây là một trong những văn bản pháp luật lao động tiến bộ nhất trên thế giới trong thời kỳ bấy giờ. Có lẽ bởi Hồ Chí Minh là người lãnh đạo có tư duy toàn cầu hóa bậc nhất trong thời đại của ông, với nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc khi đất nước đang trên đà hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhiều dạng thức việc làm mới, như tài xế Grab, xuất hiện, và một số việc làm cũ không còn nữa do đổi mới công nghệ. Trong khi phần lớn người lao động Việt Nam vẫn sống ở khu vực nông thôn và làm việc trong nền kinh tế phi chính thức. Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động của Việt Nam, như đang diễn ra, là điều cấp bách và quan trọng.

Pháp luật lao động hiện đại nên đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản tối thiểu bao gồm tiền lương tối thiểu bắt buộc, giới hạn thời giờ làm việc,… Một khi đã ở trên mức tối thiểu này, tiền lương thực tế và mọi điều kiện lao động được quyết định thông qua thỏa thuận. Điều đó diễn ra giữa người lao động và người sử dụng lao động, có thể là thỏa thuận cá nhân hoặc tập thể.

Thay vì chỉ rõ mức lương và điều kiện làm việc thực tế, pháp luật lao động hiện đại cần tạo ra môi trường khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động đưa ra quyết định thông qua đàm phán. Quyền được đàm phán này là tinh thần của “Sắc lệnh 29” tiến bộ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ thế kỷ trước.

Nhưng thực tế ngày nay, Bộ Luật Lao động và các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện tại lại có xu hướng quy định chi tiết lương, điều kiện làm việc. Người đứng ra "làm chủ số phận" vẫn là Nhà nước. Việt Nam chưa tạo được môi trường pháp lý khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức của họ đối thoại và đàm phán với nhau.

Ngày nay, nếu công nhân cảm thấy họ không được trả lương xứng đáng, thì đa phần chỉ biết lựa chọn phương thức đình công, tự phát tụ tập đông người dưới nắng, thậm chí gây tê liệt giao thông. Đó không phải là “thương lượng” theo ý chí của xã hội hiện đại, và thường không giúp được gì nhiều cho họ.

Từ năm 1919, nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã viết bức thư gửi đến phái đoàn tại Hội nghị Paris, yêu cầu quyền tự do liên kết cho người dân Việt Nam. Và cũng chính tại Hội nghị này, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)- nơi tôi đang làm việc - được sáng lập.

Mục đích của tổ chức là thúc đẩy hòa bình và công bằng xã hội thông qua việc công nhận quyền tự do liên kết của người lao động và người sử dụng lao động; mang lại việc làm đàng hoàng cho mọi người. Tôi mơ về lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của ILO, nơi chúng ta có thể ôn lại tầm nhìn của Hồ Chí Minh khi nó trở thành hiện thực trong xã hội Việt Nam hiện đại.

ILO có Công ước 87 về Tự do liên kết và bảo vệ quyền được tổ chức, và Công ước số 98 về Quyền được tổ chức và thương lượng tập thể. Điều làm tôi hy vọng là Việt Nam, một thành viên của ILO, đang nghiêm túc xem xét phê chuẩn hai công ước này, cũng như đảm bảo Bộ Luật Lao động sửa đổi được xây dựng trên những nguyên tắc đó.

Nếu ngày ấy, năm 1947, những nhà cách mạng Việt Nam từng nói chuyện với những người lao động yếu thế nhất ở thời đại của họ - những người phu kéo xe trên đường phố Hà Nội - sau khi sắc lệnh số 29 về lao động được thông qua, thì hôm nay, chắc rằng họ cũng sẽ nói với những người tái xế Grab, những công nhân may.

Họ sẽ nói rằng: “Luật cho các bạn đã có rồi. Nhưng các bạn cần hiểu luật, cần tự bảo vệ quyền của mình và đòi quyền lợi bằng cách tổ chức, tham gia công đoàn và bằng cách đàm phán tập thể với người sử dụng lao động. Đó là lý do vì sao chúng ta lại cần công đoàn”.

Bài viết được đăng trên báo điện tử Vnexpress ngày 19/5/2018.

* Dự án Chương trình Khung khổ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 3 triệu USD.

* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.