Bình luận

Hội nhập kinh tế đem lại lợi ích gì cho Việt Nam và ASEAN?

Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Bình luận | Ngày 04 tháng 9 năm 2014
Các nhà hoạch định chính sách đã và đang bàn luận rất nhiều về tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, AEC sẽ tác động như thế nào đến 90 triệu người dân Việt Nam – và rộng hơn nữa – 600 triệu cư dân trong khu vực? ILO và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã bắt tay cộng tác để tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này, và báo cáo chung của chúng tôi có tên “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” đã được chia sẻ tại Hà Nội vào ngày 4/9.

Những người dân bình thường trước hết đều sẽ trải nghiệm sự chuyển dịch kinh tế thông qua thị trường lao động. Điều họ quan tâm nhất chính là việc liệu họ có tìm được hay không một công việc tốt đem lại cho họ sự ổn định, được bảo hiểm, mang lại thu nhập đủ sống với điều kiện làm việc đảm bảo, và việc đến một lúc nào đó, con cái họ có thể được như vậy hay không.

Những phát hiện của chúng tôi cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ. Nếu được quản lý hiệu quả trong thập kỷ tới, AEC sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực thêm 7,1% vào năm 2025, đồng thời tạo ra 14 triệu việc làm mới. Tại Việt Nam, nơi tập trung một phần sáu lao động của cả khu vực, điều này đồng nghĩa với tăng GDP thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới.

Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều mệnh đề “nếu như” và “nhưng mà” đi kèm.

Tại Việt Nam, hai phần ba số việc làm mới này rất có thể là những công việc chất lượng thấp, “dễ bị tổn thương”, như các lao động tự làm hoặc lao động hộ gia đình. Hiện nay, bất chấp sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp điển hình so với một vài nền kinh tế ASEAN khác.

AEC sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cấu trúc, và trong lúc một số ngành sẽ trở nên phát đạt thì một số ngành khác lại có khả năng phải cắt giảm việc làm. Lao động trong các ngành này có thể sẽ không có những kỹ năng phù hợp để nắm bắt những cơ hội mới mà AEC đem lại. Thêm vào đó, trong khi năng suất lao động được cải thiện có thể đem lại thu nhập cao hơn cho một số người, thì phần lớn lao động có thể sẽ không có được điều này.

Để phát huy tối đa tiềm năng của việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, các nước ASEAN cần phải hành động dứt khoát ngay từ bây giờ. Họ sẽ phải cùng nhau giải quyết một số vấn đề thì mới mong thu lại kết quả; một vấn đề đáng nói trong đó là chủ động quản lý những chuyển dịch cấu trúc sắp tới, nhằm đảm bảo những lợi ích kinh tế, sẽ dẫn đến sự thịnh vượng chung, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia sẽ phải ưu tiên giải quyết những vấn đề trọng tâm của nước mình, nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà AEC mang lại. Theo chúng tôi, Việt Nam có năm vấn đề trọng tâm sau phải giải quyết:

Thứ nhất là ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may.

Thứ hai, cần mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn.

Thứ ba, cần củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình.

Các hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn. Điều này góp phần đảm bảo rằng tăng năng suất lao động đi kèm tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời đảm bảo một thị trường nội địa vững mạnh.

Cuối cùng, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao như xây dựng.

AEC đem lại cho Việt Nam, cũng như các nước láng giềng ASEAN, những cơ hội lớn để phát triển và đạt tới sự thịnh vượng, cũng như cơ hội chuyển dịch sang một nền kinh tế có năng suất cao dựa trên kỹ năng và sự đổi mới. Nếu những vấn đề ưu tiên nói trên được giải quyết hiệu quả, thì khu vực này có thể đạt được những bước tiến dài tới đích nhắm phát triển kinh tế công bằng và thịnh vượng chung. Thế nhưng, nếu như các nhà lãnh đạo không thể giải quyết được những vấn đề trên, AEC sẽ làm gia tăng bất bình đẳng, và số đông người lao động bình thường, chăm chỉ sẽ không được hưởng lợi từ tiến trình hội nhập này.