Thế giới chúng tôi mong muốn: lao động di cư cần hỗ trợ

Lao động sắp ra nước ngoài làm việc cần được hỗ trợ tài chính trong khi lao động di cư đã trở về hy vọng Việt Nam sớm phát triển như những quốc gia họ từng sống. Đó chính là những đề xuất từ các cuộc tham vấn của ILO với lao động di cư tháng 1 vừa qua tại Hà Nội – một phần của quá trình tham vấn Một Liên Hợp Quốc về những vấn đề phát triển sau 2015.

Tin | Ngày 06 tháng 2 năm 2013
Lao động sắp ra nước ngoài làm việc cần được hỗ trợ tài chính trong khi lao động di cư đã trở về hy vọng Việt Nam sớm phát triển như những quốc gia họ từng sống.

Đó chính là những đề xuất từ các cuộc tham vấn của ILO với lao động di cư tháng 1 vừa qua tại Hà Nội – một phần của quá trình tham vấn Một Liên Hợp Quốc về những vấn đề phát triển sau 2015.

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có khoảng 500.000 lao động di cư. Ra nước ngoài làm việc là một chiến lược cải thiện thu nhập đối với nhiều người nghèo tại Việt Nam.

Tích lũy để cải thiện cuộc sống

Hỗ trợ tài chính là mối quan tâm hàng đầu đối với những người lao động sắp ra nước ngoài làm việc được phỏng vấn. Họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng và phải trả lãi suất cao để có tiền xuất cảnh.

“Vay ngân hàng khó lắm, nhất là thời điểm trước Tết,” Nguyễn Văn Kiên, 19 tuổi, quê Nghệ An, chia xẻ. Anh phải vay họ hàng 6.000 USD để trang trải các chi phí trước khi có thể vay ngân hàng với lãi suất 13%.

Thủ tục phức tạp cũng là một trở ngại đối với lao động sắp đi làm việc ở nước ngoài.

Anh Phạm Văn Tuấn, 25 tuổi, chuẩn bị xuất cảnh sang Đài Loan làm việc cho biết “phải chờ đợi rất lâu mới xin được dấu ở xã”.

Nhóm lao động này hy vọng khi ra nước ngoài, được làm việc trong điều kiện lao động đảm bảo, sức khỏe tốt và tiết kiệm được một khoản tiền để sống sung túc hơn khi trở về Việt Nam.

“Em muốn học hỏi cách làm ăn để sau khi về có tiền mở cửa hàng buôn bán,” Tạ Thị Quỳnh Mai, 20 tuổi, quê Việt Trì, tâm sự.


Giấc mơ và hiện thực


Phần lớn lao động di cư đã trở về tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, cho biết họ thích làm ăn tại quê nhà hơn những nơi họ từng làm việc (Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia).

Chị Lê Thị Oanh, 50 tuổi, từng làm giúp việc gia đình tại Đài Loan trong 3 năm, cho biết: “Không biết tiếng của người ta khổ lắm!”

Chị Nguyễn Thị Lý, làm nghề bán thịt lợn, còn kém may mắn hơn khi bị một công ty bất hợp pháp đưa sang Malaysia làm việc.

Với người phụ nữ nay đã có một gia đình êm ấm, thời gian ở nước ngoài là một ác mộng. Chị bị bỏ tù sau 5 tháng làm bếp cho công nhân tại một công trường xây dựng.

“Chính phủ phải mạnh tay với những công ty lừa đảo,” chị đề nghị.

Tuy nhiên, tất cả lao động trở về đều mong muốn Việt Nam sớm phát triển như những quốc gia họ từng sống. Họ hy vọng ở một nền kinh tế tạo nhiều việc làm hơn, hệ thống giáo dục tốt, môi trường trong sạch, giao thông được cải thiện, hệ thống y tế tốt hơn, một xã hội ít tệ nạn, phụ nữ được bình đẳng và ít bạo lực gia đình.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, điều phối viên quốc gia dự án Tam giác của ILO nhằm bảo vệ lao động di cư, một điều hành viên của các buổi tham vấn, lao động Việt Nam cần được chuẩn bị tốt hơn khi ra nước ngoài làm việc bởi họ phần lớn còn trẻ, không có kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp.

Bà chia xẻ: “Họ cần được tiếp cận các kênh thông tin chính thống, các công ty đáng tin cậy, được cấp phép đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Chính sách cũng cần được điều chỉnh để bảo vệ lao động di cư.”

Tham vấn kế hoạch phát triển sau 2015

ILO và các tổ chức UN khác tổ chức các buổi tham vấn quốc gia về kế hoạch phát triển sau 2015 mà Việt Nam là một trong 50 nước được chọn. Các cuộc tham vấn tập trung vào nhóm người nghèo và yếu thế - những người thường không có tiếng nói trong quá trình đàm phán chính thống.