Sự kiện

Bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 100 năm ILO

Bởi Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO, tại Lễ Kỷ niệm 100 năm ILO – Con đường đến Công bằng Xã hội: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và sứ mệnh của ILO hướng tới việc làm thỏa đáng cho mọi người" vào ngày 27/08/2019

Bài phát biểu | Ngày 27 tháng 8 năm 2018
Phó Tổng Giám Đốc ILO, Bà Deborah Greenfield, phát biểu trong Lễ Kỷ niệm 100 năm ILO.
Kính thưa quý vị,

Tôi rất vinh dự được cùng quý đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của Tổ chức Lao động Quốc tế.

100 năm trước, vào năm 1919, đứng lên từ tro tàn của Thế chiến thứ I, các đại biểu tại Hội nghị Hòa bình Paris quyết tâm không bao giờ để lặp lại trải nghiệm đó, đã cùng khẳng định niềm tin rằng “một nền hòa bình phổ quát và bền vững chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở công bằng xã hội”.

Nhìn ra xung quanh, họ nhận thấy rằng điều kiện lao động với “những nỗi bất công, khổ cực và thiếu thốn sẽgây ra tình trạng bất ổn lớn đến mức khiến cho nền hòa bình và sự hòa hợp của thế giới có thể bị nguy hại”.

Và từ đó họ sáng lập ra tổ chức ILO, một tổ chức duy nhất mà sau này được Franklin Roosevelt gọi là “một hoài bão thành hiện thực” – hoài bão về các chính phủ trên thế giới cùng với đại diện của người lao động và người sử dụng lao động đưa ra những quyết sách chung về điều kiện lao động cần thiết cho hòa bình, bằng cách đặt ra và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Mặc dù một số lượng áp đảo các đại biểu tại Hội nghị hòa bình Paris là đại diện của các chính phủ, họ đã đặt ra cơ chế ba bên làm nền móng để ILO vận hành; và ILO giờ đây tiếp tục tồn tại, duy trì và bảo vệ nguyên tắc ba bên trong mọi hoạt động của tổ chức.

ILO không chỉ tồn tại lâu hơn Hội Quốc liên mà còn sống sót qua cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến thứ II để gia nhập tổ chức Liên Hợp Quốc trong những ngày non trẻ. ILO đã trở thành một tổ chức đứng đầu toàn cầu, tiên phong cho một trật tự thế giới mới dựa trên quyền của người lao động, “không phân biệt nòi giống, tín ngưỡng, giới tính, đều có quyền mưu cầu phúc lợi vật chất phát triển tinh thần trong điều kiện tự do và nhận phẩm, được an toàn về kinh tế và có cơ hội như nhau” như được nêu trong Tuyên bố Philadelphia năm 1944.

Tuyên bố là tiền đề và được dùng làm mô hình cho chính Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, và trở thành tuyên ngôn cho công bằng xã hội sau Thế chiến, đặt ra các mục tiêu lớn phát triển kinh tế xã hội, mở đường cho công cuộc phát triển và đặt nền tảng cho các quốc gia mới giành được độc lập, trong đó đa số - như Việt Nam - hiện nằm trong số 187 quốc gia thành viên - của ILO.

Điều đáng chú ý là con đường của Việt Nam và ILO có nhiều điểm tương đồng ngay từ xuất phát điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chung lý tưởng với các nhà sáng lập của ILO khi Người đưa ra những yêu sách về “quyền tự do hội họp”, “pháp quyền”, “quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp” trong bức thư nổi tiếng gửi các phái đoàn có mặt tại Hội nghị hòa bình Paris năm 1919. Khi đọc bức thư đó và khi đọc phần mở đầu của Hiến chương của ILO, bạn sẽ tìm được những từ ngữ gần như giống hệt trong cả hai văn kiện.

Cùng với việc Việt Nam tái gia nhập ILO vào năm 1992, chúng tôi đã có vinh dự được làm việc với chính phủ và các đối tác xã hội, để giúp Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi Mới. Dân tộc Việt Nam và ILO có cùng chung mục tiêu xây dựng một quốc gia hiện đại và thịnh vượng với việc làm bền vững cho tất cả mọi người. Chỉ trong vòng một thế hệ, Việt Nam đã chuyển mình thay đổi từ một xã hội thuần nông bị cô lập kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Thành công của Việt Nam đã vượt ra ngoài phạm vi công nghiệp hóa, tăng trường kinh tế, mà còn lan tỏa ra cả chính sách lao động và xã hội. Những sáng kiến nổi bật bao gồm chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức, mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội theo Khuyến nghị số 202 của ILO về mức sàn bảo trợ xã hội phổ quát, hiện đại hóa chính sách tiền lương, cải thiện hoạt động thu thập dữ liệu thị trường lao động, bước đầu phát triển khuôn khổ quốc gia về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và những nỗ lực không ngừng nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động của Việt Nam.

Cho phép tôi được chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn một trong những công ước cơ bản của ILO, Công ước số 98 về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, cùng với hai công ước kỹ thuật khác trong năm 2019. Thương lượng tập thể cùng với quyền tự do hiệp hội (được nêu tại Công ước số 87) là những quyền cơ bản giúp tiến tới đạt được rất nhiều quyền về lao động.

Việt Nam cũng đã có những sự phát triển đáng ghi nhận trong bản dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Như các bạn đã biết, việc tôn trọng nội dung Tuyên bố này - không chỉ về luật pháp mà cả trên thực tiễn - đã trở thành nền tảng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Lợi ích của toàn cầu hóa và vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị chỉ có thể đạt được khi việc làm thỏa đáng trở thành một mục tiêu. Các bạn đã thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua Nghị quyết số 06 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 27 về Cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Việt Nam đã đặt một mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng khả thi đối với việc tiến lên hàng ngũ những quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và những quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam sẽ cần phải vượt qua nhiều trở ngại để đến được đích. Nhưng trên con đường đó cũng là những cơ hội để hình thành một Tương lao việc làm cho Việt Nam công bằng hơn, bao trùm hơn và một tương lai việc làm thỏa đáng mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Việc làm là đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các cá nhân và cả xã hội. Như bản Hiến chương của ILO đã viết, việc làm không chỉ mang đến lợi ích về mặt vật chất mà cả về nhân phẩm. Việc làm xây dựng nên xã hội và cho phép con người hiện thực hóa khả năng của mình. Ủy ban toàn cầu về Tương lai Việc làm của ILO đã xuất bản báo cáo “Việc làm vì một Tương lai tươi sáng hơn”, nhấn mạnh rằng ngay cả trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng và sâu sắc về công nghệ trong thế giới việc làm, những thay đổi về cấu trúc dân số tái định hình thị trường lao động và cả các tác động của biến đổi khí hậu, thì việc làm vẫn là một trụ cột cho sự thịnh vượng và gắn kết xã hội của các quốc gia.

Thách thức của chúng ta chính là việc thực hiện các chính sách sẽ giúp định hình tương lai việc làm mà chúng ta mong muốn. Chúng ta cần chống các quyết định đang làm chúng ta bị thụ động khi đối mặt với những biến đổi sâu sắc này.

Vào tháng 6 vừa qua, các thành viện của ILO đã cùng có mặt tại Geneva dự phiên họp Thế kỷ của Hội nghị Lao động Quốc tế và đãtái khẳng định trách nhiệm của mình bằng việc thông qua Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai Việc làm. Được phát triển dựa trên nền tảng báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Tương lại Việc làm, bản Tuyên bố kêu gọi một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm cho sự tăng trưởng và phát triển trong đó con người và việc làm của họ được đặt ở vị trí trung tâm của những chính sách về kinh tế xã hội cũng như trong những thực hành kinh doanh.

Bản Tuyên bố đã đưa ra lời kêu gọi hành động tới tất cả các quốc gia thành viên để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ thế giới việc làm đang thay đổi, để quan hệ việc làm vẫn là vấn đề quan trọng, để tất cả mọi người lao động có được sự bảo vệ cần thiết, và để cho sự phát triển kinh tế được bền vững, hòa nhập và hướng tới việc thúc đẩy việc làm đầy đủ và bền vững.

Những thông điệp này đang gây được tiếng vang trên toàn thế giới và chắc chắn cũng như vậy ở Việt Nam. Vào lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một bài diễn văn đầy nhiệt huyết kêu gọi chính phủ và các đối tác xã hội xây dựng tương lai. Thủ tướng đã đề cập trực tiếp đến Tuyên bố Thế kỷ của ILO và nhấn mạnh vào các ưu tiên như học tập suốt đời và đạt được sự cân bằng cuộc sống trong công việc.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển cho thấy sự quan trọng của việc đồng nhất cải thiện các vấn đề cả xã hội và kinh tế tại những giai đoạn trọng yếu để đạt được vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình cao. Những sáng kiến cải cách được tôi vừa nhắc tới cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển xã hội và kinh tế, điều đó sẽ giúp Việt Nam đương đầu một cách hiệu quả với sự khó lường và những biến đổi nhanh chóng mà các bạn gặp phải. Một Bộ luật Lao động được sửa đổi sẽ mang đến những động năng mới cho các thiết chế thị trường lao động, mang lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp, đó là một trong những chìa khóa để phát triển bền vững.

Thưa các quý vị đại biểu, Tương lai của Việc làm mang đến nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế và thực sự là một cơ hội để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao mà các bạn mong muốn. Việt Nam sẽ phải tìm được câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong quá trình đảm bảo một tương lai bền vững mà không ai bị bỏ lại phía sau. Khi đó, hay nhớ rằng Tương lai Việc làm của Việt Nam là một lựa chọn. Câu trả lời cho các câu hỏi khó nằm trong tầm tay của các bạn. Và cùng với việc tìm ra những câu trả lời, đưa ra những lựa chọn và đặt ra những nhiệm vụ xây dựng tương lai mà Việt Nam mong muốn, ILO sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trên suốt quãng đường ấy, để đạt được mục tiêu nhân phẩm, anh ninh kinh tế và bình đẳng cơ hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn từ 100 năm trước.