Phát biểu khai mạc của Giám đốc ILO Việt Nam tại hội thảo tham vấn về gia nhập Công ước 98 của ILO

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, phát biểu khai mạc tại hội thảo tham vấn về việc Việt Nam xem xét gia nhập Công ước số 98 của ILO, được tổ chức tại TP Hạ Long vào ngày 3/5/2019

Bài phát biểu | Ngày 03 tháng 5 năm 2019
Kính thưa

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH)

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội

Các đại biểu Quốc Hội, cán bộ Văn phòng Chính phủ, BLĐTBXH và đại diện các cơ quan hữu quan

Thưa các quý vị đại biểu,

Tôi rất vinh dự được phát biểu khai mạc hội thảo tham vấn về đề xuất gia nhập Công ước số 98 về Quyền được Tổ chức và Thương lượng tập thể ngày hôm nay.

Công ước số 98 là một trong tám công ước cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động (FPRW) đã được thông qua vào năm 1998. Việt Nam đã gia nhập năm trong số tám công ước cơ bản và còn lại ba Công ước Công ước số 98, Công ước số 87 (về tự do hiệp hội) và Công ước số 105 (về lao động cưỡng bức) chưa được phê chuẩn.

Mọi Quốc gia thành viên, dù ở cấp độ phát triển nào, đều phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện những nguyên tắc then chốt của các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động vì đó là những nguyên tắc được xây dựng trên cơ sở đồng thuận toàn cầu giữa các Quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ILO về những điều kiện lao động cơ bản và phổ quát nhằm đảm bảo giao thương hàng hóa và dịch vụ công bằng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.

Đó là lý do nội hàm của tám công ước cơ bản trong FPRW đã được chuyển tải trong các điều khoản của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và FTA giữa Ủy ban Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và trong nội dung của hầu hết các tuyên bố về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Tôi rất vui mừng nhận thấy Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực đáng kể trong việc thúc đẩy gia nhập ba công ước cơ bản còn lại, bắt đầu với Công ước số 98.

Các quý vị có thể đều biết rằng Chương về Thương mại và Bền vững của EVFTA đòi hỏi các bên tham gia FTA phải liên tục nỗ lực để phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO. Trong chuyến thăm chính thức tới Bỉ vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đã cam kết phê chuẩn Công ước số 98 và sửa đổi Bộ Luật Lao động phù hợp với Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của ILO khi bà gặp gỡ với các đối tác Châu Âu.

Tạm thời tôi chưa nói đến bối cảnh thương mại mà chỉ nhấn mạnh tại sao Công ước số 98 cùng với Công ước số 87 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quan hệ lao động trong những nền kinh tế thị trường hiện đại. Công ước số 98 yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện ba điều: 1) đảm bảo không phân biệt đối xử đối với công đoàn, 2) đảm bảo công đoàn không chịu sự can thiệp hay chi phối của người sử dụng lao động, 3) thúc đẩy thương lượng tập thể thông qua nhiều phương thức khác nhau.

Cùng với Công ước số 87, đây là những nguyên tắc cơ bản tạo điều kiện cho thương lượng tập thể và hệ thống quan hệ lao động phục vụ cho lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và cho toàn xã hội.

Những vấn đề này, nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững với việc mang lại sự hài hòa, ổn định và tiến bộ kép trong việc tăng năng suất, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc.

Và tôi cũng muốn chia sẻ với quý vị rằng các nguyên tắc của Công ước số 98 không hề xa lạ đối với Việt Nam. Sắc lệnh số 29 quy định quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thông qua năm 1947 đặt ra những quy định pháp lý rõ ràng và đơn giản, hoàn toàn phù hợp với Công ước số 98 và cả Công ước số 87. Thú vị là Sắc lệnh số 29 về lao động đã được thông qua trước Công ước số 87 (1948) một năm và trước Công ước số 98 (1949) hai năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh và ILO cùng chung lý tưởng kiến tạo những xã hội và nền kinh tế mà ở đó người lao động và người sử dụng lao động được trao quyền để cùng nhau đưa ra quyết sách trên cơ sở những nguyên tắc về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, là một trong những nguyên tắc cơ bản định hướng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Đây là hội thảo tham vấn về Công ước số 98 lần thứ hai được tổ chức sau thành công của hội thảo tham vấn tại Cần Thơ với các đại biểu Quốc hội các tỉnh phía nam. Trong thời gian từ cuộc hội thảo tham vấn lần đầu đến nay đã có một bước phát triển quan trọng – đó là việc công bố dự thảo Bộ Luật Lao động. Nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dường như có rất nhiều điểm phù hợp với Công ước số 98. Cùng với những tiến triển hướng đến việc gia nhập Công ước số 98, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ cho phép Việt Nam hiện đại hóa quan hệ lao động và hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm trao quyền cho người dân lao động và doanh nhân để họ có thể tự quyết định về điều kiện làm việc của mình, từ đó đóng góp cho công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.

Tôi chúc các quý vị một buổi thảo luận tích cực và hy vọng rằng Công ước số 98 sẽ được phê chuẩn trong kỳ họp Quốc hội tới đây, mang lại thịnh vượng thông qua việc xúc tiến ký kết EVFTA, mang lại sự hài hòa, ổn định và tiến bộ trong quan hệ lao động và cho toàn xã hội như ước nguyện của những nhà sáng lập ILO cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh.