Phỏng vấn

Cách tốt nhất để thoát nghèo là có được việc làm tốt

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chính sách của ILO, Sandra Polaski, trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm VN trong tháng 11.

Bài phát biểu | Ngày 25 tháng 11 năm 2014
Thời gian qua, tiêu chuẩn lao động quốc tế (TCLĐQT) được nhắc đến nhiều trong quá trình thương lượng các hiệp định thương mại. Bà có thể cho biết các nước, bao gồm VN, được lợi gì nếu áp dụng TCLĐQT trong quá trình hội nhập?

TCLĐQT là những công ước được các chính phủ, giới chủ sử dụng lao động và người lao động đàm phán ở cấp quốc tế, để xác định xem những tiêu chuẩn tối thiểu nào nên được áp dụng với tất cả các nước, sao cho một số nước không cạnh tranh với nhau bằng mức lương thấp và điều kiện làm việc bóc lột. Trong quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu, TCLĐQT đã trở thành điều kiện tham chiếu trong nhiều cuộc đàm phám nhằm đạt được các thỏa thuận về hội nhập. Ví dụ, Liên minh Châu Âu đề nghị các đối tác thương mại áp dụng TCLĐQT, đặc biệt là những tiêu chuẩn cơ bản quan trọng nhất. Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hẳn một chương về lao động và tất cả các nước trong TPP đều phải áp dụng và thực hiện những TCLĐQT cơ bản. Nếu VN muốn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, VN cần ý thức được và dần tuân thủ TCLĐQT bởi các tiêu chuẩn này là điểm tham chiếu mà các đối tác thương mại yêu cầu.

VN là một trong số ít quốc gia mà ILO chọn để tập trung nguồn lực giúp cải thiện các vấn đề về tuân thủ pháp luật, bà lý giải sự lựa chọn này như thế nào?

Như các tổ chức khác, ILO cần tập trung các nỗ lực và nguồn lực vào những lĩnh vực ưu tiên được xem là quan trọng ở nhiều quốc gia. Trong giai đoạn 2014-2015, một trong các ưu tiên là cải thiện việc tuân thủ pháp luật lao động. Để đạt được tiến bộ quan trọng và tạo ra những tấm gương điển hình, chúng tôi đã chọn ba quốc gia, bao gồm VN, để thực hiện thí điểm. Vì sao lại là VN? Chúng tôi thấy rằng Chính phủ VN đã cam kết tăng cường thanh tra lao động – đó chính là một nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều nơi làm việc không tuân thủ pháp luật lao động. Do đó, VN là một ví dụ hoàn hảo về một nước có thu nhập trung bình thấp đang nỗ lực qua nhiều bước để đạt được sự tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.

Với quyết tâm chính trị của Chính phủ nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật lao động tốt hơn và cải thiện chất lượng thanh tra lao động, VN là một đối tác tốt để thí điểm chương trình, để chứng minh rằng có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong khoảng thời gian ngắn nếu có được một chiến lược tốt.

Trong bối cảnh đó, chương trình Better Work có thể giúp cải thiện việc tuân thủ pháp luật như thế nào? Bài học rút ra được từ các nước là gì?

Better Work là một chương trình để lại dấu ấn đậm nét của ILO, là niềm tự hào của chúng tôi. Khởi đầu cách đây 13 năm, chương trình đã mở rộng đến bảy quốc gia. Better Work giám sát việc tuân thủ pháp luật ở các nhà máy may. Hiện ở VN, chúng tôi đã mở rộng sang cả ngành da giày.

Công tác theo dõi sự tuân thủ pháp luật lao động trong nước và quốc tế này được các đối tác và người tiêu dùng quốc tế tín nhiệm vì họ có niềm tin ở ILO.

Tại các nhà máy Better Work giám sát và hỗ trợ, chúng tôi ghi nhận những tiến bộ trong việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng sự tiến bộ sẽ mạnh mẽ hơn nếu kết quả của quá trình giám sát được công bố công khai cho mọi người biết, chứ không chỉ các khách hàng. Vì thế từ năm 2015, tại VN và các quốc gia khác, sẽ áp dụng chính sách minh bạch, theo đó, các nội dung liên quan đến tuân thủ, như tiền lương, vệ sinh an toàn lao động, sẽ được công khai trên Internet.

Vai trò của thanh tra lao động trong thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động là gì?

Thanh tra lao động đóng vai trò rất quan trọng. Một khi Chính phủ đã đặt ra các quy định, chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ những quy định ấy. Nhưng không phải chủ sử dụng lao động nào cũng thực hiện trách nhiệm này. Vì thế, chúng ta cần đến thanh tra lao động. Họ sẽ xác định xem vấn đề nằm ở đâu, và có trách nhiệm giáo dục các chủ sử dụng lao động về nghĩa vụ của họ. Nếu sau đó, vi phạm vẫn tái diễn, thì thanh tra lao động phải thi hành luật và áp dụng biện pháp xử phạt nếu cần.

ILO khuyến nghị thanh tra lao động nên có cách tiếp cận chiến lược và sử dụng nguồn lực khôn ngoan bằng cách tập trung thanh tra các công ty, nhà máy đã có tai tiếng về vi phạm pháp luật.

Công đoàn cũng có vai trò quan trọng. Công đoàn cần giám sát doanh nghiệp để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật ở đó. Công đoàn không chỉ là tiếng nói mà còn phải là con mắt của người lao động trong những vấn đề quan trọng nhất, như để đảm bảo rằng tiền lương được trả đầy đủ và đúng hạn, làm thêm giờ không quá mức.

Giáo dục cộng đồng cũng quan trọng. Cần phải có những chiến dịch, poster, billboard thông báo giải thích cụ thể các quy định của pháp luật, chính sách cũng như quyền lợi của người lao động.

Bà nghĩ sao về chương trình phát triển hậu 2015, với khả năng việc làm sẽ là một trong những ưu tiên?

Năm 2000, cộng đồng quốc tế tại Liên Hợp Quốc đã quyết định đặt ra các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cụ thể cho giai đoạn 2000-2015. Giai đoạn này sắp khép lại, và VN đang tiến tới hoàn thành phần lớn các mục tiêu quan trọng.

Cộng đồng quốc tế nay lại thảo luận về những việc nên làm cho 15 năm tới (2015-2030). Chúng tôi tin rằng một trong các mục tiêu phải là tạo đủ việc làm bền vững cho mọi người – những người có khả năng làm việc và mong muốn làm việc. Việc làm đã không có mặt trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đó chính là vấn đề, bởi cách tốt nhất để thoát nghèo là có được việc làm tốt.