Speech

Chính sách tiền lương toàn cầu, khu vực và quốc gia – xu hướng và thách thức

Phát biểu chào mừng của bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hội thảo Tiền lương Quốc gia diễn ra tại Hà Nội ngày 25-26 tháng 11, 2014

Bài phát biểu | Hà Nội, Việt Nam | Ngày 25 tháng 11 năm 2014
Thưa bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Thưa các ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia,
Thưa các quý vị đại biểu,

Tôi rất vui mừng được tham dự Hội thảo tiền lương quốc gia, một cơ hội quan trọng để thảo luận một chủ đề đáng quan tâm tại Việt Nam – và trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 mà tôi tham dự 10 ngày trước đây ở Brisbane, Úc và đất nước láng giềng Campuchia, nơi tôi vừa đến thăm và làm việc trước khi sang Việt Nam, cũng đều quan tâm đến chủ đề này.

Ở góc độ toàn cầu, chúng ta chứng kiến xu hướng tiền lương tăng chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu. Trong khi tiền lương thực tế tăng xấp xỉ 3% mỗi năm trong những năm trước khủng hoảng, tăng trưởng tiền lương đã giảm xuống chỉ còn dưới 2% từ năm 2008 – và dưới 1% nếu không tính đến Trung Quốc. Vì thế đối với người lao động, một dư chấn kéo dài của cuộc khủng hoảng là tiến độ tăng lương và cải thiện mức sống giờ đã chậm lại so với trước tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiền lương và cách thức phân bổ tiền lương, có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn đối với cách thức phát triển và tiến hóa của xã hội. Tiền lương là một chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở nên bình đẳng hơn – hay bất bình đẳng hơn. Gia tăng bất bình đẳng là mối quan ngại lớn tại nhiều quốc gia và gia tăng bất bình đẳng tiền lương góp phần vào xu hướng đó. Tuần tới, ILO sẽ công bố Báo cáo tiền lương toàn cầu cho năm 2014/2015; báo cáo này sẽ trình bày những phát hiện của nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa phân bổ tiền lương và bất bình đẳng thu nhập nói chung. Nếu chúng ta muốn tạo ra thịnh vượng chung, gia tăng thu nhập cho tất cả mọi người, và xây dựng xã hội trên nguyên tắc bình đẳng, chúng ta cần xử lý vấn đề về phân bổ tiền lương và bảo đảm rằng mọi người lao động đều được hưởng “thành quả của phát triển một cách công bằng”.

Không phải trùng hợp mà tiền lương được chú ý đến vậy, và thường là chủ đề tranh luận nóng. Tiền lương rất quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động, chính phủ và toàn bộ nền kinh tế.

Đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chính – trên thế giới, tiền lương là nguồn sinh kế của hơn một nửa số lao động có công ăn việc làm. Ở hầu hết các nước châu Á đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ lao động làm công ăn lương trong tổng số lao động có việc làm ở mức thấp hơn, do trình độ phát triển và do ngành nông nghiệp và canh tác quy mô nhỏ còn phổ biến. Nhưng số lượng lao động làm công ăn lương đang tăng mạnh. Vì thế, mức lương và sức mua của tiền lương có ảnh hưởng lớn đối với mức sống. Tiền lương có đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động hay không sẽ quyết định người dân có nuôi được gia đình hay không và có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái họ hay không. Đáng tiếc là, trên thế giới, rất nhiều người không có được điều kiện đó. Tính đến năm 2013, khoảng 839 triệu lao động vẫn có thu nhập dưới chuẩn nghèo quốc tế là 2 USD một ngày (tính theo sức mua tương đương), mặc dù có việc làm.

Tất nhiên, câu hỏi thế nào là đủ cho một mức sống đảm bảo cần phải được xem xét cẩn trọng. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc đo lường nhu cầu sống tối thiểu – và các bên khác nhau đã có cách tiếp cận hơi khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau. Điều này không có gì bất thường vì ai cũng cần phải quyết định sử dụng một phương pháp nào đó và đưa ra những nhận định phù hợp. Điều tôi ghi nhận là sự cởi mở giữa tất cả các bên khi tranh luận về phương pháp luận và tìm ra những cách thức mới để đo lường tốt hơn. Trong ngày thứ hai của hội thảo này, chúng ta sẽ có cơ hội học tập kinh nghiệm quốc tế và tìm hiểu về một số cách làm hay. Một số phương pháp có thể giúp cải thiện việc đo lường nhu cầu sống tối thiểu tại Việt Nam và cũng có thể giúp Chính phủ, Công đoàn và Người sử dụng lao động đạt được sự đồng thuận trong cách tiếp cận.

Đối với người sử dụng lao động, tiền lương có ảnh hưởng lớn đến chi phí điều hành một doanh nghiệp. Mức lương tăng nghĩa là họ không thể ngủ quên trên thành quả của ngày hôm qua nếu họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh. Khi chúng tôi hỏi người sử dụng lao động tại khu vực ASEAN về chiến lược của họ để tăng sức cạnh tranh, đại đa số lựa chọn giải pháp đầu tư để tăng cường kỹ năng cho người lao động và áp dụng công nghệ mới. Rất ít người cho rằng giảm lương là một cách làm khả thi. Trong ngày thứ hai của cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe quan điểm của doanh nghiệp về tiền lương và kết quả nghiên cứu mới về cách thức doanh nghiệp ứng phó với gia tăng chi phí lao động. Chúng ta cũng sẽ hiểu thêm tầm quan trọng của những số liệu do Tổng cục Thống kê thu thập đối với những nghiên cứu như vậy và đối với việc điều chỉnh tiền lương dựa trên cơ sở khoa học.

Để thành công trong bối cảnh tiền lương tăng, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ – để có được một nền giáo dục và đào tạo nghề chất lượng cao cho lực lượng lao động, thông qua đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, điều tiết giá năng lượng hợp lý và thông qua những biện pháp khác hỗ trợ cải tiến, nâng cấp công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bởi vậy, thách thức đối với Chính phủ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành công và tạo nền tảng cho tăng trưởng tiền lương bền vững trong tương lai. Xét toàn bộ nền kinh tế, tiền lương là một phần quan trọng đối với thu nhập hộ gia đình và tiêu dùng trong nước. Mặc dù tiền lương là chi phí đối với doanh nghiệp, tiền của người lao động cũng là một nguồn quan trọng kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Vì vậy, tiền lương cũng là một động lực quan trọng cho đầu tư, công nghiệp hóa, đa dạng hóa, tăng trưởng chung và phát triển. Điều này giúp làm giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu (xuất khẩu có thể rất kém ổn định) – một bài học mà rất nhiều quốc gia thiên về xuất khẩu đã học được từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Đây là một phần tự nhiên của quá trình phát triển để chuyển từ việc lệ thuộc vào xuất khẩu sang việc dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa khi tiền lương và thu nhập tăng.

ILO nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết chế xác lập tiền lương hợp lý, và vai trò của những thiết chế này đối với thành tựu kinh tế và công bằng xã hội. Đặc điểm của những thiết chế xác lập tiền lương hiệu quả là các thiết chế này không chỉ là phạm vi hoạt động của chính phủ mà còn bao gồm cả người lao động và người sử dụng lao động, những bên liên quan trực tiếp đến kết quả đầu ra. Với sự thành lập của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào năm 2013, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng khi có sự tham gia trực tiếp của công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động trong việc xác lập tiền lương tối thiểu.

Để thiết chế ba bên như Hội đồng Tiền lương Quốc gia thành công trên thực tế đòi hỏi tất cả các bên phải chủ động tham gia với tinh thần thương lượng mang tính xây dựng – không thắng một cuộc tranh luận bằng mọi giá mà phải bỏ thời gian và công sức lắng nghe các bên khác trong khi bảo vệ quan điểm của chính mình. Nên bắt đầu bằng cách sử dụng dữ liệu đáng tin cậy, phù hợp với những tiêu thức đã thỏa thuận, phản ánh được nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế.

Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng các bên liên quan đối với những tiến bộ đã đạt được, và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cá nhân tôi tin rằng Việt Nam hiện nay đã có những thiết chế mở đường cho việc phê chuẩn Công ước Xác lập Tiền lương Tối thiểu 1970 của ILO (Công ước 131). Vì thế, tôi rất vui mừng khi biết rằng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ trưởng đưa Công ước quan trọng này vào kế hoạch phê chuẩn các công ước trong giai đoạn 2016-2020. Việc phê chuẩn công ước này sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Việt Nam đã sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc của Công ước, và mục đích chính của Công ước – đó là “bảo vệ lao động làm công ăn lương khỏi việc bị trả lương quá thấp”.

Việc hiểu rõ về mục tiêu của công ước cũng giúp nhận diện những hạn chế của nó. Chức năng của tiền lương tối thiểu là nhằm lương cho người lao động hưởng lương thấp để đáp ứng ít nhất nhu cầu sống tối thiểu của họ. Nếu chúng ta hiểu rằng chức năng của tiền lương tối thiểu là để bảo vệ những người lao động yếu thế nhất khỏi sự bóc lột, thì rõ ràng tiền lương tối thiểu không thể là công cụ xác lập tiền lương duy nhất.

Cùng ngày hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận việc xác lập tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể bổ sung cho nhau như thế nào trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta sẽ tìm hiểu những thách thức đối với người lao động và người sử dụng lao động khi thương lượng về tiền lương và điều kiện làm việc tại cấp doanh nghiệp và cấp ngành, và một số thành công đạt được tại Việt Nam. Thương lượng tập thể đem lại cho người lao động và sử dụng lao động một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách tích cực, và tìm ra giải pháp hai bên cùng có lợi để tối đa hóa lợi ích cho cả hai bên. Thương lượng tập thể cũng đem lại cho hai bên sự linh hoạt để ứng phó khi tình hình thay đổi, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi những quốc gia có thiết chế thương lượng tập thể và đối thoại xã hội tốt đã tìm ra được những giải pháp sáng tạo để đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính.

Để hoạt động hiệu quả, thương lượng tập thể phải có gốc từ khuôn khổ pháp lý và thiết chế đóng vai trò hỗ trợ và tạo điều kiện cho quá trình thương lượng ở tất cả các cấp. Những nội dung như vậy được đề cập trong Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949 của ILO (Công ước số 98). Xét cho cùng, thương lượng tập thể hiệu quả phải dựa trên cơ sở quyền tự do hiệp hội của người lao động và người sử dụng lao động như đã đề cập trong Công ước Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 (Công ước số 87). Hai công ước lao động cốt lõi này hiện nay là tiêu chuẩn toàn cầu và đã được hơn 150 nước thành viên của ILO phê chuẩn. ILO rất hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phê chuẩn hai công ước quan trọng này.

Cần có những thiết chế xác lập tiền lương hiệu quả – bao gồm tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể – để tối đa hóa lợi ích mà hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu mang lại. Đây là một trong những phát hiện quan trọng của báo cáo chung gần đây do ILO và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện có tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”. Hội nhập kinh tế sâu rộng hơn hứa hẹn sẽ giúp tăng năng suất lao động thông qua chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu suất. Trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn nhất trong việc tăng trưởng năng suất lao động cho đến năm 2025. Nhưng kinh tế phát triển tốt không bảo đảm sự thịnh vượng chung và phát triển bình đẳng, vì vậy các thiết chế xác lập tiền lương có vai trò quan trọng giúp kết nối tăng tiền lương với tăng năng suất.

Khi hội nhập thế giới sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tăng năng suất lao động của mình để có thể thành công. Yếu tố tạo ra tăng trưởng năng suất lao động thường bị hiểu nhầm. Suy nghĩ đơn giản là năng suất lao động phản ánh một người làm việc chăm chỉ như thế nào là không đúng. Ví dụ, rất nhiều nông dân làm việc chăm chỉ hơn nhiều so với những người khác có năng suất lao động cao hơn. Nhưng họ có năng suất thấp là bởi họ không có các công cụ, trang thiết bị, đầu vào hay kỹ thuật để năng suất cao hơn. Điều này cho thấy để tăng năng suất lao động, cần phải làm việc hiệu quả hơn, trong đó đã bao gồm đầu tư vào trang thiết bị hiện đại hơn, quản lý quá trình làm việc tại doanh nghiệp tốt hơn và cải thiện cơ sở hạ tầng của cả nền kinh tế. Để tăng năng suất lao động, cũng cần cải thiện thường xuyên chất lượng giáo dục, đạo tạo nghề và đào tạo tại chỗ. Đây cũng là con đường để đưa nền kinh tế từ những ngành có giá trị gia tăng thấp sang những ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Lương tối thiểu cũng cần được đề cập ở đây. Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất cho thấy tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn... Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ có nền tảng giáo dục cơ bản vững chắc. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp năng động. Nhưng để phát huy hết tiềm năng tăng năng suất lao động trong những năm tới, Việt Nam cần phải xóa bỏ một số rào cản cản trở tăng trưởng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao công nghệ và giáo dục, đào tạo nghề.

Đây là nhiệm vụ không hề nhỏ, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn. Đẩy mạnh năng suất lao động dài hạn là cơ sở quan trọng để tăng tiền lương và cải thiện mức sống ở Việt Nam.

Trong ngày hôm nay và ngày mai, Hội thảo sẽ cho chúng ta cơ hội thảo luận về vấn đề này một cách sâu sắc và thiết thực hơn. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có một buổi thảo luận hiệu quả và trao đổi kiến thức hữu ích để đạt được mục tiêu này.

Xin cảm ơn.