Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần hướng tới bảo vệ người lao động tốt hơn

Người lao động chia sẻ quan điểm trong các cuộc tham vấn về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội do Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Thông cáo báo chí | Ngày 25 tháng 3 năm 2022
TP Hồ Chí Minh – Tăng cường bảo vệ người lao động phải là một yếu tố chính trong quá trình cải cách Luật Bảo hiểm xã hội (2014) của Việt Nam. Đây là kết luận chính từ một loạt các cuộc tham vấn giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đại diện người lao động tại một số tỉnh miền trung và miền nam liên quan đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25 tháng 3.

Các cuộc tham vấn này là cơ hội để ILO lắng nghe và thảo luận về những mối quan tâm và ưu tiên của các đối tác ba bên (Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động) về bảo hiểm xã hội, cũng như chia sẻ những kiến thức chuyên môn về một số vấn đề cải cách chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang xem xét.

Sau các cuộc tham vấn, ILO và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đã tổ chức hội thảo đối thoại về chính sách Bảo hiểm xã hội với cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh, vào ngày 25 tháng 3.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban chính sách – Pháp luật của TLĐLĐVN cho biết: “Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện và “trọn gói”. Hệ thống BHXH cần được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”. Đồng thời, việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững”.

Tại hội thảo, ILO nhấn mạnh rằng để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, cần phải tiếp tục ưu tiên xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng thực sự, với việc tăng cường bổ sung và tích hợp giữa các cột trụ đóng góp (từ tiền đóng bảo hiểm của người lao động và người sử dụng lao động) và cột trụ phi đóng góp (do ngân sách Nhà nước chi trả). Chỉ những nỗ lực như vậy mới giúp Việt Nam có thể cung cấp an sinh xã hội cho những nhóm lớn dân số hiện không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình an sinh xã hội nào - đặc biệt là những người lao động phi chính thức ở khu vực được gọi là “nhóm ở giữa bị bỏ quên”.

Để đạt được những mục tiêu này, sẽ không chỉ đòi hỏi đối thoại xã hội và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mà còn cần sự gia tăng đáng kể đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội."

Ông André Gama, Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam
Ông André Gama, phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho biết: “Để đạt được những mục tiêu này, sẽ không chỉ đòi hỏi đối thoại xã hội và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mà còn cần sự gia tăng đáng kể đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội”.

“Khoản đầu tư này”, ông nhấn mạnh, “không chỉ cần được xem là cần thiết để hỗ trợ các nhóm dân số cần được tiếp cận an sinh xã hội, mà còn là động cơ chính, bền vững và bao trùm để phát triển kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 bằng cách tập trung vào tài sản quý giá nhất, đó chính là con người Việt Nam ”.

Kết thúc hội thảo, TLĐLĐVN và ILO thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, với mục tiêu đảm bảo rằng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chính là kết quả của quá trình đối thoại xã hội và tham vấn ba bên mạnh mẽ, trong đó có xét đến các nhu cầu và ưu tiên của người lao động.