Lao động giúp việc gia đình - Công ước 189

Sau 10 năm, lao động giúp việc gia đình vẫn đang phải đấu tranh vì bình đẳng và việc làm thỏa đáng

Vào đúng năm thứ mười kể từ khi Công ước về Lao động giúp việc gia đình được thông qua, đại dịch COVID-19 cho thấy lao động giúp việc gia đình vẫn tiếp tục là nhóm dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.

Thông cáo báo chí | Ngày 15 tháng 6 năm 2021
© Alex Proimos
GENEVA – Đã mười năm kể từ khi Công ước mang tính lịch sử của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xác nhận quyền lao động của lao động giúp việc gia đình được thông qua, lao động giúp việc gia đình vẫn đang phải đấu tranh để được công nhận là người lao động và là những người cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Theo một báo cáo mới của ILO, điều kiện làm việc của nhiều người lao động vẫn chưa được cải thiện trong một thập kỷ qua và thậm chí còn trở nên tệ hơn do đại dịch COVID-19.

Ở thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, mức tổn thất việc làm của lao động giúp việc gia đình ở hầu hết các nước châu Âu, cũng như Canada và Nam Phi, dao động từ 5-20%. Ở châu Mỹ, tình hình còn tệ hơn với mức tổn thất việc làm lên đến 20-50%. Tại cùng thời điểm đó, mức tổn thất việc làm của những nhóm lao động khác chỉ chưa đến 15% ở hầu hết các nước.

Cuộc khủng hoảng đã nêu bật tính cấp thiết của việc chính thức hóa công việc giúp việc gia đình để đảm bảo họ được tiếp cận với việc làm thỏa đáng, bắt đầu với việc mở rộng diện bao phủ và áp dụng luật lao động và luật an sinh xã hội cho mọi lao động giúp việc gia đình."

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO
Số liệu từ báo cáo cho thấy 75,6 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới (4,5% lao động toàn thế giới) đã và đang gánh chịu những tác động nặng nề, dẫn đến gia đình của họ, những người phải phụ thuộc vào họ để đáp ứng những nhu cầu chăm sóc hàng ngày, cũng bị ảnh hưởng.

Báo cáo cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm điều kiện làm việc vốn đã rất tồi tệ. Họ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước sự bùng phát của đại dịch do những khoảng trống về lao động và an sinh xã hội vốn đã tồn tại từ lâu. Đây là tình trạng của hơn 60 triệu lao động giúp việc gia đình làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

“Cuộc khủng hoảng đã nêu bật tính cấp thiết của việc chính thức hóa công việc giúp việc gia đình để đảm bảo họ được tiếp cận với việc làm thỏa đáng, bắt đầu với việc mở rộng diện bao phủ và áp dụng luật lao động và luật an sinh xã hội cho mọi lao động giúp việc gia đình,” ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết.

Mười năm trước, việc thông qua Công ước về Lao động Giúp việc Gia đình được đánh giá là sự kiện mang tính đột phá đối với hàng triệu người lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới mà trong đó phụ nữ chiếm số đông.

Kể từ đó đã có một số tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động và các quy định lao động đã giảm hơn 16 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn lao động giúp việc gia đình (36%) vẫn không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật lao động, điều này cho thấy tính cấp thiết của việc phải thu hẹp khoảng trống về pháp lý này, đăc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các Quốc gia Ả-rập, là những khu vực hiện ghi nhận khoảng trống về pháp lý lớn nhất.

Ngay cả khi họ là đối tượng điều chỉnh của luật lao động và luật an sinh xã hội thì việc thực hiện luật trong thực tế vẫn là nguồn gốc dẫn đến tình trạng bị gạt ra ra bên lề và tình trạng không chính thức. Báo cáo cho biết chỉ một phần năm (18,8%) lao động giúp việc gia đình được hưởng chế độ an sinh xã hội liên quan đến việc làm hiệu quả.

Giúp việc gia đình vẫn là loại hình công việc mà phụ nữ chiếm số đông. Hiện 57,7 triệu lao động nữ đang làm công việc này, chiếm 76,2% tổng số lao động giúp việc gia đình. Trong khi ở châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, phụ nữ chiếm phần đa trong lực lượng lao động thì ở các Quốc gia Ả-rập và Bắc Phi, tỷ lệ lao động nam lại cao hơn so với lao động nữ (63,4%) còn ở Nam Á thì tỷ lệ lao động nữ làm giúp việc gia đình chỉ chiếm chưa đến một nửa tổng số lao động làm công việc này (42,6%).

Đa phần lao động giúp việc gia đình hiện đang làm việc tại hai khu vực chính: khoảng một nửa trong số họ (38,3%) làm việc tại châu Á và Thái Bình Dương và phần lớn làm việc tại Trung Quốc, khoảng một phần tư còn lại (17,6 triệu) làm việc tại châu Mỹ.

Lao động giúp việc gia đình ngày nay được tổ chức tốt hơn và họ đã có thể tự đại diện cho bản thân để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Để đạt được những tiến bộ như hôm nay, các tổ chức của lao động giúp việc gia đình cũng như các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động giúp việc gia đình là những tác nhân đóng vai trò then chốt.