ILO, Việt Nam hợp tác thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế và việc làm thỏa đáng cho mọi người

Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO, trong đó bao gồm một công ước cơ bản về tự do hiệp hội.

Thông cáo báo chí | Ngày 20 tháng 5 năm 2021
HÀ NỘI – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Việt Nam vừa ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới.

Bản ghi nhớ cho giai đoạn 2021-2030 được đại diện ILO Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đặt bút ký vào ngày 20 tháng 5 tại Hà Nội.

Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác nhằm thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam thông qua một khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và ILO Việt Nam, và đảm bảo sự tham gia của đại diện người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình này.

Nội dung hợp tác bao gồm nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tăng cường nội luật hóa, thực thi các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập, thúc đẩy năng lực quốc gia thực hiện và báo cáo việc thực thi các công ước đã phê chuẩn, theo dõi, đánh giá việc thực thi, và đề xuất đưa ra các khuyến nghị gia nhập thêm các công ước khác.

“Việc ký kết Bản ghi nhớ là một tiền đề quan trọng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và Văn phòng ILO tại Việt Nam để thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và xã hội, đồng thời khẳng định việc hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến lao động,” Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Đào Ngọc Dung, phát biểu tại buổi lễ.

Đồng tình với Bộ trưởng, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho rằng việc ký kết Bản ghi nhớ thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động và xã hội theo hướng phù hợp với các nguyên tắc phổ quát được đề cập trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu trong số các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế."

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam
“Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu trong số các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp nâng tầm xã hội – một yếu tố cần thiết để Việt Nam có thể hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao,” Tiến sỹ nói.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm 7 trong tổng số 8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Theo Bản ghi nhớ, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu việc gia nhập thêm các công ước của ILO phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn kinh tế xã hội của Việt Nam.

Kể từ năm 1919, ILO đã và đang duy trì và phát triển một hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đặt ra các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, các tiêu chuẩn lao động quốc tế trở thành một cấu phần quan trọng của khung khổ quốc tế nhằm đảm bảo rằng tự do thương mại đi đôi với việc bảo vệ các quyền lao động cơ bản được đề cập tới trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các tiêu chuẩn lao động quốc tế được xây dựng bởi các đối tác ba bên của ILO, bao gồm chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Tiêu chuẩn lao động quốc tế tồn tại theo hình thức Công ước (hoặc Nghị định thư) – là những hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý khi được quốc gia thành viên phê chuẩn, hoặc dưới dạng Khuyến nghị – là những hướng dẫn không mang tính ràng buộc.







* Thông cáo báo chí này thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy áp dụng các Công ước Cơ bản của ILO trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.