An sinh xã hội

Mở rộng độ bao phủ là trọng tâm cải cách bảo hiểm xã hội Việt Nam

Nếu độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tăng lên, Nhà nước có thể tập trung vào những đối tượng chưa được bảo vệ, với mục đích đảm bảo rằng mọi người đều nhận được hỗ trợ khi cần.

Thông cáo báo chí | Ngày 29 tháng 3 năm 2017
HÀ NỘI - Mở rộng độ bao phủ và củng cố hệ thống bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cải cách của Việt Nam nhằm thực hiện quyết tâm đạt được phổ cập bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Khái niệm sàn an sinh xã hội nghĩa là mọi thành viên trong xã hội sẽ đều được bảo vệ, tối thiểu là trong lĩnh vực chăm sóc y tế, và đảm bảo an ninh thu nhập cơ bản cho trẻ em, người trong độ tuổi lao động nhưng không có đủ thu nhập, và người cao tuổi.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội sáng 29/3.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định "chúng ta chắc chắn sẽ có những thay đổi quan trọng trong lĩnh vực này".

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đồng ý cam kết hiện thực hóa Sàn An sinh Xã hội cho tất cả mọi người, đồng thời cam kết thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội của các Mục tiêu Thiên niên kỷ (SDG) của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhận định chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng.

Theo Liên minh Toàn cầu về Sàn An sinh Xã hội, Việt Nam sẽ chỉ cần phân bổ thêm khoảng 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là có thể san bằng khoảng trống về an sinh xã hội và đưa mọi người dân lên trên mức chuẩn nghèo quốc tế (1,9 USD/ngày).

“Mặc dù khoảng trống này ở Việt Nam còn lớn hơn một số nước như Thái Lan, Việt Nam ở mức khá hơn so với một số nước ngang bằng hoặc thậm chí nhỉnh hơn về trình độ phát triển như Malaysia,” nguyên Giám đốc Ban An sinh Xã hội của ILO, Michael Cichon, nhận định. “Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy việc san bằng khoảng trống về an sinh xã hội của Việt Nam là tương đối khả thi.”

Tỷ lệ bao phủ thấp

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội ở mức thấp là một trong những vấn đề chính của hệ thống an sinh xã hội mà Việt Nam đang cố gắng giải quyết.

"Chúng ta cần tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, để Nhà nước có thể tập trung vào những đối tượng chưa được bảo vệ, với mục đích đảm bảo rằng mọi người đều nhận được hỗ trợ khi cần," ông Cichon cho biết.

Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ có một nửa lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ khoảng 24% lực lượng lao động, tương đương trên 13 triệu người đang tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Có gần 3 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee, những người đã tham gia là các đối tượng "dễ tiếp cận nhất".

"Việt Nam cần thêm nhiều chính sách thực hiện và thu hút hiệu quả hơn, bao gồm tăng cường thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nhằm mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội", ông nói.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động với hợp đồng ngắn hạn, và các doanh nghiệp gia đình phần lớn vẫn đang nằm ngoài hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, chương trình hiện tại chưa được điểu chỉnh để bao gồm nhóm lao động tự làm và các hình thức lao động phi kết cấu.

Nhận định rằng bảo hiểm tự nguyện cũng hiếm khi có được những thành tựu thuyết phục tại các nước khác, đại diện của ILO khuyến khích Việt Nam "tìm tòi các giải pháp sáng tạo để chạm tới “nhóm người bị bỏ sót” này”.

Độ chín của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam cũng như những thách thức đang tồn tại đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa các chương trình bảo trợ xã hội (có đối tượng là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất) và chương trình bảo hiểm xã hội (dựa trên đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động). Sự gắn kết chặt chẽ hơn sẽ đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau và mức hưởng lợi là phù hợp.

Tính bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội ngày nay đang bị thách thức bởi quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình hiện tại của Việt Nam là 76, so với tuổi 70 vào năm 1990. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của những người đã qua mức 60 tuổi là 81. Con số này tương đương với các nước phát triển hơn Việt Nam như Brazil, Thái Lan và chỉ thấp hơn 3-4 năm so với các quốc gia Tây Âu.

"Khi xã hội và kinh tế phát triển, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và mức đóng góp là một phần của bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào. Hàng chục năm kinh nghiệm tại các quốc gia khác đã khẳng định rằng cải cách không phải là dấu hiệu hệ thống thất bại, mà là một phần tất yếu của quá trình phát triển," Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

ILO cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ nên vào cuộc và tăng mức chi tiêu công vào các dịch vụ xã hội và hỗ trợ tài chính, đảm bảo rằng kể cả nhóm dễ bị tổn thương nhất và những người sống tại các vùng sâu vùng xa cũng nhận được hỗ trợ. Tăng cường những nỗ lực này là cần thiết để hiện thực hóa an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Phó Thủ tướng Đam nhận định: “Hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam dù có đặc thù như thế nào thì các phương pháp tiếp cận vẫn phải phù hợp với xu hướng và quy luật chung của thế giới.”

Ông một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội và nhấn mạnh “cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để mọi người dân đều hiểu được sự quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội”.

Buổi hội thảo cấp cao “ Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Quốc gia ILO – Việt Nam về Việc làm Bền vững và dự án của ILO về thúc đẩy và xây dựng an sinh xã hội trong khu vực ASEAN do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.