Phỏng vấn

Cải tổ và hội nhập phải có lợi cho tất cả mọi người

Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, chia sẻ một vài suy nghĩ về một số vấn đề quan trọng trong lĩnh vực lao động việc làm tại Việt Nam trong những năm qua và triển vọng sắp tới.

Thông cáo báo chí | Ngày 31 tháng 7 năm 2015
Theo ông, đâu là những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực lao động việc làm trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay?

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong những năm qua.

Thứ nhất, khung pháp lý để vận hành, quản trị thị trường lao động đã được cải thiện, giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trong giai đoạn khởi đầu của một quốc gia thu nhập trung bình. Những văn bản pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động 2012, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Luật Giáo dục Nghề nghiệp, và gần đây nhất là Luật An toàn Vệ sinh Lao động, đã được Quốc hội thông qua.
Kể từ năm 2012, Việt Nam cũng đã phê chuẩn 3 công ước quốc tế về lao động: Công ước về Chính sách Việc làm (Công ước 122), Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006), và Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động, 2006 (Công ước 187). Điều này là một tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam dần dần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực lao động việc làm.

Thứ hai, tranh luận và thảo luận về các vấn đề quan trọng dựa trên bằng chứng và thông tin đầy đủ đã dần trở thành một “thói quen” ở Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực nhiều để cải thiện công tác thống kế, chẳng hạn như định kỳ thực hiện và công bố Điều tra Lao động Việc làm hay lần đầu tiên cho ra đời Điều tra về Lao động Trẻ em. Đây là những điểm quan trọng phục vụ công tác xây dựng và giám sát chính sách.

Thành tựu quan trọng thứ ba là việc thử nghiệm cũng như học hỏi từ các chương trình thí điểm thực tế. Better Work (Chương trình Việc làm tốt hơn) là một ví dụ rõ nét cho thấy những cải thiện về tuân thủ pháp luật lao động, đồng thời nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may. Trong khi đó, các chương trình thí điểm về quan hệ lao động đã giúp tăng cường tiếng nói và vai trò đại diện của các bên chủ chốt trong thị trường lao động cũng như đối thoại tại một số doanh nghiệp và tại cấp cơ sở về những vấn đề quan trọng như điều kiện làm việc và tiền lương.

Vậy đâu là những yếu tố quan trọng nhất dẫn tới những thành quả đó?

Một mặt, cam kết chính trị từ phía Chính phủ đóng một vai trò chủ đạo tạo ra những thay đổi. Nếu không có sự lãnh đạo quyết liệt, Việt Nam đã không thể đạt được những tiến bộ trong công cuộc cải tổ thị trường lao động nhờ vào những cuộc thảo luận và hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng.

Mặt khác, nhu cầu đang ngày một lớn đối với sự cởi mở hơn, tiếng nói có trọng lượng hơn và tăng cường tham gia trong các vấn đề mà doanh nghiệp, người lao động, gia đình của họ và các cá nhân quan tâm. Sự mở rộng dần dần của tầng lớp trung lưu và người lao động trong nền kinh tế chính thức cũng đã và đang đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi để hướng tới một nền kinh tế với khả năng cạnh tranh lớn hơn và một xã hội công bằng hơn. Trong bối cảnh này, chính sự đáp ứng về mặt chính trị đối với những đòi hỏi đó đã đưa đến những thành quả quan trọng của đất nước.

Ngoài ra, tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy Việt Nam thực hiện những cải tổ cần thiết.

Trong hơn 3 năm qua, những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong công cuộc tạo việc làm bền vững cho tất cả mọi người là gì, thưa ông?

Mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn cần phải giải quyết một số thách thức lớn.

Thứ nhất là thiếu đồng bộ chính sách. Giữa các bộ ngành cần có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn để có thể thúc đẩy môi trường thuận lợi, tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn. Chẳng hạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị thị trường lao động, nhưng các chính sách kinh tế vĩ mô có những tác động còn lớn hơn đến nhu cầu về lao động. Sự hợp tác liên bộ là yếu tố cần thiết để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế không chỉ tạo thêm việc làm mà còn là những việc làm tốt hơn, và sự hợp tác đó có thể tiết kiệm chi phí cho Chính phủ.

Thách thức thứ hai nằm ở năng lực thực thi hiệu quả luật pháp và các quy định về lao động của các cơ quan Chính phủ. Pháp luật chỉ là một phần của câu chuyện về việc làm tốt hơn. Thực thi và tuân thủ pháp luật như thế nào mới là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Cuối cùng, phần lớn người lao động Việt Nam vẫn thuộc bộ phận phi chính thức – ở đó điều kiện làm việc không đảm bảo, trả công không đủ trang trải cuộc sống cũng như không được bảo vệ. Đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong những năm tới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm chiếm một bộ phận lớn trong số các doanh nghiệp Việt Nam – sẽ cần được tăng cường để có khả năng hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như tiến trình hội nhập vào thị trường toàn cầu.

Là một chuyên gia về kinh tế lao động, theo ông, trong tương lai gần, thị trường lao động Việt Nam sẽ đối mặt với những vấn đề chủ đạo nào?

Việt Nam sẽ trải qua sự thay đổi về cấu trúc quan trọng khi đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, thứ nhất, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật và quy định về lao động, đồng thời phê chuẩn những công ước quan trọng của ILO, bao gồm Công ước về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức (Công ước 87) và Công ước về thương lượng tập thể (Công ước 98).
Thứ hai, việc tuân thủ pháp luật cũng sẽ cần phải được đẩy mạnh để đảm bảo rằng pháp luật và quy định được thực thi trong cuộc sống.

Thứ ba, đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ và năng động là một nhân tố quan trọng khác mà Việt Nam cần tăng cường để nắm bắt được những cơ hội của thị trường và tạo ra những việc làm chất lượng tốt, dẫn tới tăng trưởng cho doanh nghiệp và mức sống cao hơn.

Cuối cùng, thành công của của tiến trình hội nhập và cải tổ phụ thuộc vào việc tiến trình này có thể đem đến lợi ích cho tất cả mọi người – doanh nghiệp, người lao động, gia đình của họ và toàn xã hội – hay không.