Câu chuyện dự án
Gia đình khó khăn nhưng vẫn ưu tiên cho con đi học, không bắt con phải lao động kiếm sống
Được sự hỗ trợ của ILO, với sự hợp tác với Saigon Children’s Charity, cô bé 15 tuổi của một gia đình có thu nhập thấp đã được hỗ trợ đi học. Đây là một phần của hoạt động can thiệp phòng chống lao động trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, ba mẹ Tuyền phải bán vé số và rau trên đường. Tuy điều kiện khó khăn nhưng bố mẹ Tuyền vẫn cố gắng bươn chải, ưu tiên con cái học hành với hy vọng con mình sau này sẽ có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, hai chị gái lớn nhất đã phải bỏ học sớm, đi làm để có thêm thu nhập cho gia đình.
Các gia đình dễ bị tổn thương thường phải cho con đi lao động kiếm sống như một phương án giải quyết những khó khăn về tài chính. Điều này tuy tạo được nguồn sinh hoạt trong ngắn hạn nhưng lại càng kéo dài tình trạng nghèo đói trong tương lai. Lao động trẻ em là việc sử dụng trẻ em trong bất kỳ công việc gì mà tước đi thời thơ ấu của trẻ, đặt các em vào các môi trường nguy hiểm và độc hại, gây tác hại về tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức và cản trở việc đi học của các em.
Với Công ước 138 của ILO về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước 182 về Nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) làm việc với các chính phủ, những người sử dụng lao động, các trường học và cộng đồng trên toàn thế giới cùng ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em. Để có thể đạt được mục tiêu này, ILO tích cực thúc đẩy hệ thống điều tiết có hiệu quả, phổ cập giáo dục, việc làm bền vững cho người trong độ tuổi lao động và bảo trợ xã hội có hiệu quả cho các gia đình dễ bị tổn thương.
Tuy vấn đề lao động trẻ em đã giảm mạnh trong những năm vừa qua, nhưng theo ước tính gần đây, hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, khoảng 1,7 triệu lao động trẻ em đã được xác định trong năm 2012, đa số các trường hợp này đều nằm trong khu vực nông nghiệp và chủ yếu tập trung trong khu vực phi chính thức. Đây là một thách thức đối với việc phát hiện và giải quyết tình trạng này.
Đối với cô bé 15 tuổi Tuyền, em có thể sẽ sớm trở thành một trong những trường hợp bị bỏ sót trong các số liệu thống kê này khi em không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ học như hai chị gái mình để đi làm giúp gia đình mình có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, năm ngoái, một cơ hội không ngờ đã đến với em. Khi gia đình em đang chật vật xoay xở với những khó khăn thì chính quyền địa phương đã tiếp cận và kết nối với tổ chức phí chính phủ Saigon Children’s Charity (SCC). Với sự hợp tác của ILO, SCC đã đánh giá nhu cầu học tập của Tuyền và sắp xếp để em được tiếp tục học tại một trung tâm giáo dục. Hiện nay, toàn bộ học phí và xe buýt của em được tài trợ hoàn toàn. Tuyền được đi học tại một trung tâm cách nhà 30’, nơi em được học văn, toán và khoa học lớp 10.
Tới nay, đã có 91 học sinh có nguy cơ cao bị rơi vào tình trạng lao động trẻ em tại TP Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ giáo dục và dạy nghề thông qua hoạt động hợp tác giữa ILO và SCC. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6/2020 sẽ có khoảng 145 trẻ em tại TP được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này.
Hoạt động hỗ trợ thay đổi cuộc sống được thực hiện thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em ở Việt Nam (ENHANCE) của ILO với nguồn tài trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL). Với sự hợp tác của Cục Trẻ Em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án đã thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức và can thiệp trực tiếp từ năm 2016 với mục tiêu nhằm đảm bảo cho những trẻ em như Tuyền không phải làm việc trên đường phố, trên đồng ruộng mà được học tập và phát triển trong một môi trường an toàn.

Để giúp cô bé 15 tuổi giầu ước mơ này thu hẹp các phương án nghề nghiệp và có trọng tâm hướng tới mục tiêu của mình, SCC cung cấp hỗ trợ bổ sung dưới hình thức hướng nghiệp. Tuyền được tham dự khóa tập huấn kỹ năng sống của SCC mỗi tháng một lần để xây dựng kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
“Thông qua việc học, em đã xây dựng được những nguyên tắc vững chắc cho bản thân”, em cho biết với một sự thông minh hơn tuổi. Ngoài việc giúp mẹ bán khoai lang sau khi đi học về và trông em, em không có nhiều thời gian để học thêm nhưng Tuyền rất nổi trội về học lực. Gần đây em còn giành được giải thưởng của trường. Cô bé ham học này hy vong sẽ được tiếp tục học thêm 2 năm nữa và trong thời gian đó, em sẽ tích lũy được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc và có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Cô bé Tuyền là một minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa lao động trẻ em và việc đi học của trẻ. Việc xóa bỏ rào cản học tập là yếu tố quyết định trong công tác ngăn ngừa lao động trẻ em và giúp các gia định đầu tư vào tương lai của con em mình. Thành quả của nó sẽ lớn hơn nhiều so với những lợi ích ngắn hạn thu được khi cho con đi làm.
Ở Việt Nam, việc thúc đẩy phổ cập giáo dục có chất lượng rất được quan tâm trong chương trình quốc gia, với sự cam kết mạnh mẽ thực hiện Mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển bền vững, nhằm chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và xóa bỏ nô lệ thời hiện đại và buôn bán người vào năm 2030.
Vì đây là một mục tiêu đầy tham vọng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực chung trong lĩnh vực này. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Cục Trẻ Em/Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang giữ vai trò chủ trì xây dựng lộ trình đa ngành và Kế hoạch hành động quốc gia nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trong 5 năm tới. Kế hoạch tổng thể bao gồm cải cách giáo dục, chiến lược nâng cao nhận thức nâng cao năng lực điều tra và hành pháp, cải cách pháp lý và thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo mục tiêu.
Với những nỗ lực này, hy vọng sẽ có nhiều lựa chọn cho các gia đình và trẻ em như Tuyền không phải cho con đi lao động kiếm sống để giải quyết khó khăn về tài chính và phá vỡ vòng nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này sẽ giúp góp phần phát triển kinh tế xã hội phồn thịnh của đất nước.