Việc làm bền vững tại Việt Nam

Việc làm bền vững và thỏa đáng tổng hợp những khát vọng của con người đối với quá trình họ lao động, làm việc. Chương trình nghị sư về việc làm thỏa đáng của ILO bắt đầu từ năm 1999, đề cập đến những cơ hội việc làm năng suất cao, mang lại thu nhập xứng đáng, được đảm bảo an toàn, ổn định tại nơi làm việc, và gắn với an sinh xã hội cho người lao động và cả gia đình họ. Điều đó đồng nghĩa với triển vọng tốt đẹp hơn cho phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội, cũng như mọi người có quyền tự do bày tỏ những quan ngại, tự do tổ chức và được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Điều đó đi kèm với bình đẳng về cơ hội và đối xử với tất cả mọi người, nữ cũng như nam.

Ý tưởng về việc làm bền vững và thỏa đáng là kim chỉ nan đối với ILO, là điểm cốt lõi để xóa bỏ đói nghèo, hướng tới việc chia sẻ lợi ích công bằng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với mục đích khiến toàn cầu hóa công bằng hơn.

Việc làm thỏa đáng và Mục tiêu Phát triển Bền vững

Trong phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015, việc làm thỏa đáng và bốn trụ cột của Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng – tạo việc làm, an sinh xã hội, quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội – trở thành những thành phần không thể thiếu của Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững 2030. Mục tiêu số 8 của chương trình này kêu gọi thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm thỏa đáng. Đây là lĩnh vực quan trọng mà ILO cùng các đối tác ba bên của mình sẽ tham gia vào. Ngoài ra, các khía cạnh quan trọng của việc làm thỏa đáng cũng được lồng ghép rộng rãi vào nhiều điểm của 16 mục tiêu khác trong tầm nhìn phát triển mới của Liên Hợp Quốc.

Việc làm thỏa đáng tại Việt Nam

Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững của Việt Nam là công cụ chính cho khung hợp tác giữa ILO với Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn 2017-2021. Văn kiện này phù hợp với Kế hoạch Một Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong đó bao trùm các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm. Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững lần thứ ba xác định 3 ưu tiên quốc gia là:
  • Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững.
  • Giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
  • Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.