Lao động trẻ em

Lao động trẻ em vẫn là một vấn đề Việt Nam cần giải quyết. © ILO/H. Trương

Xem thêm ảnh về lao động trẻ em tại thư viện ảnh của ILO trên Flickr
Sự mở cửa của nền kinh tế thị trường cũng đã đem đến những hình thức và khuôn mẫu mới gây tổn thương tới trẻ em Việt Nam. Đối mặt với lỗ hổng này, các tổ chức xã hội không theo kịp được những thay đổi của cải cách kinh tế. Các báo cáo gần đây chỉ ra đã có sự gia tăng di cư trong nước cũng như số gia đình và trẻ em đổi chỗ ở và không đăng ký sống tại khu vực trung tâm thành thị.

Nhiều em nhỏ phải chịu nguy cơ bị bóc lột lao động và lạm dụng tình dục. Trẻ em và thanh, thiếu niên làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, trong môi trường lao động không được quản lý và điều chỉnh. Trong hoàn cảnh này, trẻ em không được giáo dục đầy đủ, phát triển một cách lành mạnh. Dân di cư, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em gái là nhóm cần được quan tâm đặc biệt đến.

VIệt Nam đã xây dựng nền móng bền vững và hiệu quả để phòng chống lao động trẻ em. Tháng 11/2000, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Công ước số 182 về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (năm 1999) và trong năm 2003, Chính phủ cũng đã phê duyệt Công ước 138 về Tuổi làm việc tối thiểu (năm 1973). Việc phê chuẩn các công ước của ILO đã cho cộng đồng quốc tế thấy được quyết tâm của Việt Nam trong việc khẩn trương thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất trên toàn quốc.

Với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ, ILO đang triển khai dự án ENHANCE (Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam) nhằm hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy các giải pháp quốc gia của Chính phủ trong giải quyết lao động trẻ em. Xây dựng từ những thành quả hiện tại, dự án đang nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em trong một số lĩnh vực ưu tiên như may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Với đối tác chính là Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội, dự án có sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, các đối tác xã hội và các tổ chức dân sự trong quá trình thực hiện nhằm xây dựng và củng cố giải pháp toàn diện và có hiệu quả với sự tham gia của nhiều bên liên quan để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.