Giới thiệu về Văn phòng Hà Nội

About_women worker About_women farmer About_man worker
Việt Nam tham gia ILO trở lại năm 1992 và Văn phòng Quốc gia của ILO được mở tại Hà Nội năm 2003. Mục đích của ILO tại Việt Nam là thúc đẩy quyền tại nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và đẩy mạnh đối thoại về các vấn đề liên quan đến việc làm.

Các đối tác chính của ILO bao gồm Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Thông qua các khuôn khổ hợp tác với các đối tác, ILO đã và đang hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách, tăng cường năng lực và hợp tác kỹ thuật nhằm mở ra những cơ hội cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận với việc làm tốt hơn và có tiếng nói trong những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Các lĩnh vực quan trọng Việt Nam đã và đang hợp tác với ILO bao gồm việc làm xanh, phát triển kỹ năng, thống kê lao động, phát triển quan hệ lao động, an toàn và sức khỏe lao động, an sinh xã hội. Tiêu chuẩn lao động quốc tế và bình đẳng giới là những vấn đề xuyên suốt, được lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác ba bên.

Tổ chức ILO tại Việt Nam hiện đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Quốc gia Việc làm Bền vững giai đoạn 2017-2021. Đây là sự tiếp nối hai khuôn khổ hợp tác quốc gia về việc làm bền vững đã được thực hiện thành công trong hai giai đoạn 2006-2010 và 2012-2016.

Chương trình Hợp tác quốc gia Việc làm bền vững tại Việt Nam lần thứ ba giữa ILO và các đối tác ba bên (bao gồm các cơ quan Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động) nhằm mục đích giải quyết các thách thức về việc làm bền vững mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Chương trình xác định ba ưu tiên quốc gia bao gồm:
  • Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững;
  • Giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và
  • Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.