Hội nhập kinh tế

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại buổi đối thoại chính sách về hội nhập kinh tế

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc tại Đối thoại Chính sách Quốc gia về “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, được tổ chức tại Hà Nội ngày 4/9.

Conference paper | 16 September 2014
Kính thưa Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
Kính thưa Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Kính thưa ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương,
Kính thưa ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam

Thưa các quý vị đại biểu,

Trước tiên, thay mặt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, các đối tác xã hội ba bên tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tới tham dự buổi Đối thoại chính sách quốc gia “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt và thịnh vượng chung” ngày hôm nay.

Thưa các quý vị đại biểu,

Chúng ta đều đã biết, Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 nước, trong đó có Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột, đó là: An ninh chính trị, Kinh tế, Văn hóa và Xã hội.

Trong những năm qua, trên cơ sở Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, và gần đây là Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đã và đang ngày càng mở rộng về phạm vi, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.

Việc tổ chức cuộc Đối thoại chính sách với chủ đề nêu trên ngày hôm nay là một việc làm rất có ý nghĩa và bổ ích đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức đối tác ba bên của quốc gia và các tổ chức/đối tác quốc tế ở Việt Nam để (i) trao đổi và nâng cao nhận thức về chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là chủ đạo; (ii) đồng thời nắm bắt được các tác động của Cộng đồng ASEAN năm 2015 đối với thị trường lao động ASEAN, các cơ hội và thách thức đối với Cộng đồng này và một số khuyến nghị về chính sách liên quan tới tạo việc làm nhiều hơn và tốt hơn và nhằm mục tiêu phát triển đồng đều.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoan nghênh sáng kiến của ILO và ADB với sự phối hợp của Ban Thư ký ASEAN đã thực hiện Nghiên cứu mang tên: “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới Việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” và tổ chức công bố kết quả của nghiên cứu này tại Việt Nam, 1 sự kiện có ý nghĩa được tổ chức bên lề “Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6” vào hai ngày sắp tới, mùng 5 và 6/9/2014 cũng tại Khách sạn Melia Hà Nội này.

Báo cáo này đưa ra bức tranh tổng thể về các xu hướng thị trường lao động và kinh tế của ASEAN trong giai đoạn gần đây, đánh giá tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với các thị trường lao động thông qua các mô phỏng từ mô hình và phân tích chính sách, thực nghiệm, nhằm mục đích cung cấp khuyến nghị chính sách dựa trên cơ sở bằng chứng hướng tới tạo ra việc làm tốt hơn và tăng trưởng cân bằng, đảm bảo quyền lợi của mọi người. Báo cáo nhấn mạnh các ưu tiên chính nhằm giải quyết các thách thức và cơ hội của Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong việc tăng cường các cơ chế hợp tác khu vực, thúc đẩy thay đổi cơ cấu và cải thiện chất lượng việc làm, tăng cường phát triển kỹ năng, tăng năng suất lao động và tiền lương, và quản lý hiệu quả di cư lao động.

Việc thực hiện báo cáo này thể hiện cam kết ở cấp cao của các bên nhằm hỗ trợ Ban Thư ký ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm thông qua việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung. Kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các đối tác ba bên Việt Nam và các quý vị đại biểu chúng ta tiến hành phiên Đối thoại chính sách nhằm làm rõ thêm các cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập vào Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nói riêng hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung tại Việt Nam.

Với mục tiêu và nội dung đối thoại như vậy, tôi xin tuyên bố khai mạc Đối thoại chính sách quốc gia của chúng ta ngày hôm nay. Hy vọng Đối thoại của chúng ta sẽ thu được những ý kiến, góp ý bổ ích cho tất cả các đối tác liên quan tham dự, đặc biệt là hỗ trợ cho Bộ LĐTBXH chúng tôi, với vai trò Cơ quan chủ trì của 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, phối hợp với 12 Bộ, ngành thành viên khác để có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch, mục tiêu ưu tiên và các hoạt động chuẩn bị gia nhập Cộng đồng ASEAN năm 2015.

Cuối cùng, thay mặt Bộ LĐTBXH, tôi xin chân thành cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật mà ILO và ADB đã dành cho các nước ASEAN và cho Việt Nam. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều hoạt động hợp tác và sự hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa từ các tổ chức/đối tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội để Việt Nam có thể quản lý một cách hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như quy trình hội nhập Cộng đồng ASEAN hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung.

Xin trân trọng cám ơn.