Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở làng nghề truyền thống

Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở làng nghề truyền thống chế tác gỗ và đá mỹ nghệ Tài liệu hóa Mô hình Tiềm năng ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội

Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ lao động trẻ em tồi tệ nhất”, giai đoạn 2009-2013, do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha tài trợ kinh phí, ILO-IPEC điều hành và hỗ trợ kỹ thuật.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Dự án là xây dựng, thực hiện, đánh giá và tài liệu hóa các mô hình can thiệp lồng ghép hiệu quả nhằm giảm thiểu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại các tỉnh được chọn, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Vì vậy, Dự án đã triển khai một số mô hình can thiệp thí điểm thông qua xây dựng và thực hiện các Chương trình Hành động (CTHĐ ) tại 5 tỉnh/thành phố, bao gồm Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Nam và Đồng Nai. Các CTHĐ đã được triển khai từ tháng 7/2011 đến tháng 9/2013, bao gồm các hợp phần hoạt động về nâng cao nhận thức và năng lực, giáo dục và dạy nghề, cải thiện điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, hỗ trợ phát triển sinh kế hộ gia đình… nhằm giảm thiểu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Sau quá trình thực hiện, các CTHĐ trên đã được lựa chọn để ghi chép lại và thể hiện ở ba mô hình can thiệp tiềm năng sau:

• Mô hình can thiệp tiềm năng về phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em tại làng nghề truyền thống chế tác đá và gỗ mỹ nghệ (tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội);
• Mô hình can thiệp tiềm năng về phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em trong lĩnh vực du lịch tại khu vực miền núi dân tộc thiểu số (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai);
• Mô hình can thiệp tiềm năng về phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt cá tại một làng bè (tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).