Quan hệ lao động

Hỗ trợ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể và hòa giải tranh chấp lao động (Dự án NIRS Canada)

Các đối tác chính

  • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) – Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Cục QHLĐ&TL);
  • Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (LĐTMCNVN);
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN).

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp

  • Các cán bộ, công chức cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp trung ương, địa phương;
  • Các tổ chức đại diện của người lao động bao gồm Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động;
  • Các tổ chức thực hiện hòa giải, trọng tài lao động.

Đối tượng hưởng lợi gián tiếp

  • Người sử dụng lao động, các nhà đầu tư;
  • Người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở;
  • Cộng đồng xã hội.

Địa bàn Dự án

Dự án được thực hiện tại Việt Nam, các hoạt động thí điểm sẽ được thực hiện ở một số địa phương được lựa chọn (bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…).

Thông tin chung về Dự án

Trong bối cảnh Việt Nam tích cực hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, gia nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA) với mức độ cam kết sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và xuất hiện thêm các yêu cầu, cam kết về tiêu chuẩn lao động, môi trường,… được dẫn chiếu đến Tuyên bố 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động, Dự án được xây dựng và thực hiện.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới quan trọng trong lĩnh vực lao động. Năm 2019, quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước đã đề ra và khẳng định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2019/QH14 gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, thông qua Bộ luật Lao động mới; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới; Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp v.v…

Dự án này tiếp nối Dự án NIRF Canada giai đoạn trước (dự án phát triển dữ liệu quan hệ lao động, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng) và cùng với các dự án về quan hệ lao động do ILO phối hợp với Bộ LĐTBXH thực hiện. Dự án là một phần trong chương trình tổng thể của Văn phòng ILO Quốc gia, hỗ trợ phát triển Hệ thống Quan hệ Lao động mới. Dự án sẽ góp phần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các cấp trong việc thúc đẩy những cơ chế cốt lõi của quan hệ lao động như đối thoại, thương lượng tập thể, hòa giải tranh chấp lao động hoạt động một cách thực chất hơn, hiệu quả hơn. Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm về quan hệ lao động.

Mục tiêu và hướng tiếp cận của Dự án

Mục tiêu tổng thể của Dự án là nhằm nâng cao vai trò của Bộ LĐTBXH, các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lao động ở một số tỉnh, thành phố được lựa chọn trong thúc đẩy đối thoại xã hội, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và hòa giải tranh chấp lao động.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:
  • Mục tiêu 1: Đối thoại xã hội được thực hiện thường xuyên và hiệu quả thông qua vai trò trung tâm của các cơ chế, thiết chế ba bên về quan hệ lao động;
  • Mục tiêu 2: Thương lượng tập thể được triển khai rộng rãi, thực chất hơn và trở thành quy trình hiệu quả, phổ biến trong xác lập các tiêu chuẩn lao động và điều kiện lao động trên cơ sở công nhận quyền tổ chức của người lao động và vai trò hỗ trợ, thúc đẩy của cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các cơ quan liên quan;
  • Mục tiêu 3: Hệ thống thiết chế và hoạt động hòa giải tranh chấp lao động, trọng tài lao động được thiết lập và vận hành hiệu quả để hỗ trợ phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh công nhận đầy đủ và tôn trọng quyền tổ chức và thương lượng tập thể của người lao động.
ILO phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ LĐTBXH tại cấp quốc gia và địa phương cũng như TLĐLĐVN và LĐTMCNVN nhằm tạo điều kiện hoàn thành những mục tiêu trên. Hợp tác cùng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương được đặt làm trọng tâm.

Dự án sẽ sử dụng nhiều biện pháp tiếp cận nhằm đạt các mục tiêu đề ra.

Nghiên cứu kỹ thuật về các vấn đề lao động, phân tích tác động, hội thảo tư vấn và hỗ trợ soạn thảo luật, được thiết lập nhằm hỗ trợ Bộ LĐTBXH:
  • Tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương và cấp tỉnh với các đối tác xã hội trong rà soát, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất, triển khai các giải pháp phát triển quan hệ lao động, bao gồm các biện pháp thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc;
  • Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất, phù hợp với Tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia;
  • Thiết lập hệ thống thông tin về hòa giải viên, trọng tài lao động, hoạt động phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của quốc gia trong bối cảnh công nhận, tôn trọng quyền tổ chức và thương lượng tập thể của người lao động. Xây dựng thí điểm Hệ thống thông tin Quản lý vụ việc hòa giải, trọng tài lao động hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động.

Thông tin liên hệ

Đặng Thị Ngọc Điệp
Điều phối viên quốc gia
Văn phòng ILO tại Việt Nam
304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 37286144
Email: diep@ilo.org