Dự án bổ sung về An toàn vệ sinh lao động trong một số ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam

Dự án nhằm hỗ trợ duy trì một số kết quả đạt được của giai đoạn trước, tăng cường tham vấn hiệu quả và khuyến nghị cho Chính phủ các chính sách và quy định về An toàn vệ sinh lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động.

Đối tác:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH)

Đối tượng thụ hưởng:
Đối tượng hưởng lợi trực tiếp là các cán bộ an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của Bộ LĐTBXH và các bộ ngành liên quan khác (Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, Hội nông dân).

Đối tượng thụ hưởng sau cùng của dự án sẽ là người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức và khu vực nông thôn.

Địa bàn dự án: Cơ quan cấp trung ương.

Mục tiêu tổng thể

Đẩy mạnh công tác ATVSLĐ tại Việt Nam thông qua thực hiện có hiệu quả khung chính sách áp dụng cho các ngành có nguy cơ cao và hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương nhằm đảm bảo thực hiện công tác ATVSLĐ một cách bền vững.

Mục tiêu cụ thể

  • Thúc đẩy tham vấn và hợp tác giữa các đối tác xã hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường chính sách và quy định về ATVSLĐ;
  • Hỗ trợ thực thi Công ước 187 của ILO về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam và chuẩn bị triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ;
  • Phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế thúc đẩy mục tiêu cấm sử dụng amiăng hoàn toàn ở Việt Nam.

Các hoạt động chính

  • Tổ chức các cuộc họp tổ chuyên gia kỹ thuật ba bên và hội thảo tham vấn để thảo luận, soạn thảo một hoặc hai văn bản dưới Luật ATVSLĐ;
  • Soạn thảo báo cáo khuyến nghị tăng cường tham vấn và hợp tác ba bên;
  • Hỗ trợ Bộ LĐTBXH xây dựng Hồ sơ Quốc gia về ATVSLĐ lần thứ ba và Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020;
  • Tổ chức các cuộc họp và hội thảo tham vấn với đối tác để xác định những vấn đề của Luật ATVSLĐ, thách thức và thuận lợi trong quá trình triển khai Luật;
  • Hỗ trợ Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về loại bỏ các bệnh liên quan tới amiăng;
  • Nâng cao nhận thức về các nguy cơ liên quan tới amiăng thông qua các hội thảo tham vấn, tập huấn và truyền thông.

Các kết quả chính

  • Xây dựng một hoặc hai văn bản dưới Luật ATVSLĐ thông qua tổ chuyên gia kỹ thuật ba bên;
  • Nâng cao năng lực cho tổ chuyên gia kỹ thuật ba bên thông qua hỗ trợ kĩ thuật của chuyên gia ILO và chuyên gia Nhật Bản;
  • Soạn thảo báo cáo khuyến nghị cải thiện tham vấn và hợp tác ba bên;
  • Soạn thảo và lồng ghép góp ý để phục vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ lần thứ ba và Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020;
  • Xây dựng đề xuất hỗ trợ triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ tại Việt Nam;
  • Thúc đẩy mục tiêu cấm sử dụng Amiăng trên cơ sở phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế và các đối tác liên quan.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ông Nguyễn Hoàng Hà
Cán bộ chương trình
Văn phòng ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
ĐT: (+84-4) 37340902 Máy lẻ. 202
Fax: +84 4 37340904
Email: ha@ilo.org