COVID-19: Bảo vệ người lao động

COVID-19 làm lộ rõ bất bình đẳng, có thể khiến vấn đề trầm trọng hơn

Đại dịch COVID-19 khiến cho những bất bình đẳng đang hiện hữu trở nên trầm trọng hơn – từ việc lây nhiễm virus, làm thế nào để sống sót đến việc đối phó với những hậu quả nặng nề về kinh tế mà nó gây nên. Phản ứng chính sách cần phải đảm bảo hỗ trợ tới tận tay người lao động và doanh nghiệp cần được giúp đỡ nhất.

Bài viết | Ngày 30 tháng 3 năm 2020


GENEVA – Ở nhiều quốc gia, bất bình đẳng thu nhập liên tục gia tăng từ những năm 1980, kèm theo đó là những hệ quả tiêu cực về kinh tế và xã hội. Nay đại dịch COVID-19 lại khiến cho những bất bình đẳng đó trở nên tồi tệ hơn, từ việc lây nhiễm virus, làm thế nào để sống sót tới việc đối phó với những hậu quả nặng nề về kinh tế mà nó gây nên.

Một số nhóm đối tượng như lao động di cư và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đặc biệt bị tác động nặng nề bởi những hậu quả về kinh tế do virus gây ra. Phụ nữ, nhóm đối tượng chiếm số đông trong lĩnh vực y tế công cộng, là những người đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ nghèo đói, phi chính thức và các công việc không được bảo vệ duy trì ở mức cao khiến cho việc kiềm chế sự lây lan của virus càng khó khăn hơn.

Những phản ứng chính sách cần phải đảm bảo rằng hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp đang cần được giúp đỡ nhất, bao gồm nhóm lao động được trả lương thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động tự làm và rất nhiều những người dễ bị tổn thương khác.

Ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm


Trong khi một số người lao động có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách làm việc từ nhà hoặc được áp dụng các biện pháp phòng ngừa, nhiều người khác không thể làm như vậy do những bất bình đẳng đã tồn tại từ trước.

Hai tỷ người lao động trên toàn thế giới (61,2% dân số thế giới có việc làm) đang làm những công việc phi chính thức. Họ có nguy cơ gặp phải những rủi ro về sức khỏe và an toàn cao hơn khi không có các biện pháp bảo vệ thích hợp như khẩu trang hay nước rửa tay khử khuẩn. Nhiều người còn đang sống trong các khu nhà chật chội, đôi khi còn không có cả nước máy.

Điều này không chỉ khiến cho những người lao động này phải đối diện với những rủi ro về sức khỏe mà còn làm giảm tính hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng dân cư ở phạm vi lớn hơn.

Nhiễm bệnh đồng nghĩa với việc trở nên nghèo đói hơn


Bất bình đẳng biểu hiện rõ rệt hơn đối với người bị nhiễm virus.

Đối với một số người, khi bị lây nhiễm thì họ được nghỉ ốm, được tiếp cận với các dịch vụ y tế mà vẫn được nhận lương.

Nhưng đối với những người ở đáy chuỗi thu nhập, đây là một thảm họa. Nhiều người không thuộc diện bao phủ của chương trình bảo hiểm y tế và đối diện với nguy cơ tử vong cao hơn. Họ thậm chí có thể không được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Ngay cả khi sức khỏe đã hồi phục thì việc không được hưởng những khoản trợ cấp thay thế thu nhập cũng đồng nghĩa với việc họ có thể trở nên nghèo hơn. Ước tính mỗi năm có khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói do phải chi trả những chi phí y tế khổng lồ.

Tinh thế “làm việc hay mất thu nhập”


Các Chính phủ và các ngân hàng trung ương đã và đang áp dụng các biện pháp trên quy mô lớn nhằm duy trì việc làm, trợ giúp doanh nghiệp và hỗ trợ thu nhập cho người lao động.

Đáng tiếc là không phải mọi người lao động hay doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ những biện pháp này.

Đối với người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, giảm giờ làm do đại dịch đồng nghĩa với việc mất thu nhập mà không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các doanh nghiệp phi chính thức nhỏ và siêu nhỏ chiếm 80% số lượng các doanh nghiệp trên toàn thế giới thường không thuộc diện bao phủ của các chính sách công.

Người lao động làm việc bán thời gian trong đó phần đông là phụ nữ, lao động thời vụ hay người lao động theo hợp đồng ngắn hạn và làm việc trong nền kinh tế gig số hóa (nền kinh tế việc làm tự do) thường không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay hỗ trợ thu nhập.

Nhiều người trong số họ phải đối diện với tình huống “làm việc hay mất thu nhập” cũng giống như lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Để mua thực phẩm hay trang trải các chi phí cơ bản khác, họ thường tiếp tục làm việc cho tới khi bị buộc phải ngừng công việc do các biện pháp nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus. Điều này làm gia tăng sự bất ổn về kinh tế mà họ đã phải đối diện.

Cần những phản ứng chính sách công bằng và toàn diện


Khi áp dụng các biện pháp ứng phó khủng hoảng trong ngắn hạn, cần ngay lập tức chú trọng bảo vệ các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Điều này có nghĩa là các biện pháp hỗ trợ thu nhập cần phải có diện bao phủ đủ lớn để mở rộng tới những người lao động dễ bị tổn thương nhất và những doanh nghiệp đang tuyển dụng họ.

Chẳng hạn như Ý đã mở rộng hỗ trợ thu nhập (80% tổng tiền lương) tới người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, tới tất cả các ngành nghề kinh tế và các doanh nghiệp có dưới 15 nhân viên, đây thường là những đối tượng không đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ này. Lao động tự làm hay cộng tác viên cũng được hưởng khoản bù đắp thu nhập một lần.

Tây Ban Nha cung cấp hỗ trợ thu nhập cho lao động tự làm, thành viên hợp tác xã và những người lao động có công việc tạm thời bị gián đoạn, kể cả khi bình thường họ không phải đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ở các nước đang phát triển, tình trạng phi chính thức và không gian tài khóa hạn chế làm tình hình khó khăn hơn. Tuy nhiên, có thể thực hiện hỗ trợ thu nhập thông qua các mô hình an sinh xã hội không theo hình thức đóng hưởng hay các chương trình trợ cấp bằng tiền mặt hiện có. Cũng có thể cung cấp hỗ trợ tạm thời cho các doanh nghiệp phi chính thức.


Theo Patrick Belser, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, ILO