Phát triển kỹ năng

Thành lập Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia thúc đẩy năng suất, tăng năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp

Cơ chế này được kỳ vọng sẽ làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng.

Tin | Ngày 18 tháng 3 năm 2020
Người lao động làm việc tại hợp tác xã rau sạch thuộc tỉnh Hưng Yên. © ILO/Nguyễn Việt Thanh
HÀ NỘI –Việt Nam lần đầu tiên triển khai thí điểm mô hình quản trị kỹ năng ở cấp ngành với việc thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề Quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Sáng kiến nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng, thúc đẩy tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân trong lĩnh vực quan trọng hiện đang sử dụng hơn 40% lực lượng lao động này.

Hội đồng có cơ cấu ba bên do đại diện của người sử dụng lao động điều hành và có sự tham gia của đại diện tổ chức của người lao động, Chính phủ, các tổ chức giáo dục đào tạo nghề nghiệp. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng.

Hội đồng Kỹ năng nghề Quốc gia đầu tiên tại Việt Nam là một sáng kiến thí điểm được thành lập với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua dự án về Áp dụng Chiến lược Đào tạo của G20 do Liên bang Nga tài trợ.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Bộ luật Lao động mới đã có những quy định liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Trong đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển cho người lao động thông qua các hoạt động đào tạo ở các trình độ khác nhau, tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động, tham gia hội đồng kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu lao động và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm Hội đồng Kỹ năng nghề Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giá trị ngành nông nghiệp.

Hội đồng có nhiệm vụ cung cấp số liệu dự báo thị trường lao động, hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, góp ý kỹ thuật xây dựng các giáo trình đào tạo vừa học vừa làm và định hướng phát triển ngành, đóng góp cho công cuộc cải thiện sự nghiệp giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam và theo dõi và đánh giá tiến độ và các kết quả thực hiện các nội dung đào tạo.