ILO100 tại Việt Nam

Việt Nam coi trọng hỗ trợ của ILO

Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 26-27/8, Phó Tổng Giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield, đã hội kiến các quan chức cấp cao của Việt Nam.

Tin | Ngày 29 tháng 8 năm 2019
Phó Tổng Giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield, hội kiến đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
HÀ NỘI – Tiếp Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Deborah Greenfield, trong chuyến thăm hai ngày đến Hà Nội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đánh giá cao sự hợp tác của ILO với Việt Nam.

Vào ngày 27/8, tại buổi gặp song phương, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, thể hiện sự coi trọng hỗ trợ của ILO, đặc biệt là trong công tác cải cách pháp luật lao động của Việt Nam.

Bà cho biết lao động – việc làm luôn là lĩnh vực được Đảng quan tâm, trong đó quan hệ lao động là một thách thức lớn với Việt Nam. Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi theo hướng tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của ILO và phù hợp với tình hình của đất nước.

Bà Trương Thị Mai tái khẳng định đến năm 2023, Việt Nam sẽ phê chuẩn đủ tám công ước cơ bản của ILO. Việt Nam đã phê chuẩn sáu công ước cơ bản, hai công ước chưa phê chuẩn là Công ước số 87 về tự do hiệp hội và Công ước số 105 về lao động cưỡng bức.

Phó Tổng Giám đốc ILO cũng chúc mừng Việt Nam mới đây đã phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể.

Với lộ trình tham gia hai công ước còn lại của Việt Nam, bà tin tưởng rằng Việt Nam sẽ “tạo dựng những nền tảng cần thiết nhằm đảm bảo một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả”.

“Tự do hiệp hội chính là DNA của ILO vì tự do hiệp hội là cốt lõi của quan hệ lao động ổn định. Đó cũng là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bản yêu sách nổi tiếng của Người gửi tới Hội nghị Hòa bình Paris”, bà cho biết thêm.

Đáp lại đề nghị của đồng chí Ủy viên Bộ chính trị về việc ILO tiếp tục hỗ trợ, bà khẳng định ILO cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam giúp sửa đổi Bộ Luật Lao động và xây dựng quan hệ lao động hiệu quả.

Bà Deborah Greenfield hội kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cùng ngày, trong buổi tiếp Phó Tổng Giám đốc ILO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động nhằm xây dựng một nền kinh tế hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao và đề nghị ILO hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Bà Greenfield đồng tình với Phó Thủ tướng về nhiệm vụ thiết yếu này và nhấn mạnh rằng quan trọng là phải tạo ra vòng tuần hoàn về đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, điều kiện làm việc tốt hơn, tăng cầu nội địa đồng thời cân bằng với cầu từ bên ngoài.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với bà Deborah Greenfield.
Vào ngày 26/8, Phó Tổng Giám đốc ILO cũng có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung.

Hai bên thống nhất quyết tâm giúp Việt Nam phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với quan hệ lao động hài hòa và tăng trưởng bao trùm lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo bà Phó Tổng Giám đốc, “ILO và Việt Nam đã và đang duy trì một mối quan hệ thực sự đặc biệt, vì thế chúng tôi vinh dự được đồng hành với Việt Nam trên chặng đường của chúng ta”.

Chặng đường với nhiều giao thoa, tương đồng vì công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người của ILO và Việt Nam khởi đầu từ Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, tại đó ILO đã được thành lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới các phái đoàn tham dự hội nghị yêu cầu các quyền cơ bản cho nhân dân Việt Nam.