Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 108

Hội nghị Lao động Quốc tế bế mạc, thông qua Công ước và Tuyên bố then chốt

Hội nghị Lao động Quốc tế thông qua những văn kiện mang tính bước ngoặt về bạo lực và quấy rối và một Tuyên bố về tương lai việc làm. Hội nghị đã kết thúc hai tuần làm việc, đánh dấu 100 năm thành lập ILO.

Tin | Ngày 25 tháng 6 năm 2019
Album ảnh
GEVEVA – Hội nghị Thế kỷ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã bế mạc vào ngày 21/6 với việc thông qua một Công ước chưa từng có tiền lệ và một Khuyến nghị kèm theo nhằm xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm cùng với một Tuyên bố vạch ra hướng đi cho tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm.

Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai Việc làm của ILO năm 2019 là sự tái khẳng định tính phù hợp và tầm quan trọng của sứ mệnh của ILO trong thế giới việc làm đang thay đổi, một tuyên bố ý định mạnh mẽ, một lời kêu gọi và cũng là một lộ trình hành động cho chính ILO.

“Những văn kiện mà chúng ta thông qua ngày hôm nay là một lộ trình, định hướng cho chúng ta trong tương lai của tổ chức bởi vì tương lai việc làm chính là tương lai của chính Tổ chức của chúng ta”, Tổng Giám đốc ILO, Guy Ruyder, cho biết.

Tuyên bố xét đến tương lai việc làm dưới lăng kính lấy con người làm trung tâm. Tuyên bố chú trọng đến việc giúp mọi người được hưởng lợi từ những thay đổi trong thế giới việc làm bằng cách củng cố những thiết chế việc làm để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ cho mọi người lao động, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững và việc làm đầy đủ và hiệu quả.

Những lĩnh vực hành động cụ thể được xác định bao gồm:

  • Công nhận hiệu quả bình đẳng giới trong cơ hội và đối xử
  • Một chế độ học tập suốt đời hiệu quả và giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người
  • Toàn dân được tiếp cận với chế độ bảo trợ xã hội toàn diện và bền vững
  • Tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động
  • Một mức lương tối thiểu đủ sống
  • Giới hạn tối đa về thời giờ làm việc
  • An toàn và sức khỏe trong lao động
  • Những chính sách thúc đẩy việc làm thỏa đáng và tăng năng suất
  • Những chính sách và biện pháp đảm vệ tính riêng tư và dữ liệu cá nhân phù hợp và ứng phó với những thách thức và cơ hội trong thế giới việc làm có liên quan đến chuyển đổi việc làm kỹ thuật số bao gồm cả việc làm nền tảng.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, cùng với khoảng ba mươi nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, trong hai tuần tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ ủng hộ ILO và sứ mệnh về công bằng xã hội của tổ chức.

“Các bạn đang giương cao ngọn đuốc được thắp sáng từ một trăm năm trước nhằm giúp xây dựng một thế giới mới – một thế giới dựa trên công bằng xã hội được thiết lập trên mô hình bao trùm - ở đó các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động cùng nhau bàn bạc và đưa ra quyết sách”, Ngài Guterres phát biểu.

Chia sẻ với đại biểu tham dự Hội nghị, Ngài Guterres cho biết Tuyên bố “đánh dấu một cơ hội mang tính lịch sử nhằm mở ra một cánh cửa dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn cho mọi người trên toàn thế giới”.

Ngài cho biết them: “Đây là một tuyên bố tham vọng – nó đặt ra cơ sở để hiện thực hóa sứ mệnh của ILO trong thế kỷ thứ hai. Nhưng phạm vi của Tuyên bố Thế kỷ này vượt xa hơn nhiều so với việc thể hiện những mong muốn hay ý định. Tuyên bố đề xuất một sự chuyển đổi trong cách thức mà chúng ta nhìn nhận về phát triển”.

Ngài Guterres cũng hoan nghênh việc thông qua Công ước về Bạo lực và Quấy rối năm 2019 và Khuyến nghị kèm theo.

Công ước ghi nhận rằng bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm “có thể cấu thành hành vi vi phạm hay lạm dụng quyền con người … là một mối đe dọa đối với những cơ hội bình đẳng, là hành vi không thể chấp nhận được và không phù hợp đối với việc làm thỏa đáng”. Công ước định nghĩa “bạo lực và quấy rối” là những cách ứng xử, hành vi hay sự đe dọa “nhằm mục đích, dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại về thể chất, tâm lý, tình dục hay kinh tế.” Công ước gợi nhắc các Quốc gia thành viên rằng họ có trách nhiệm phải thúc đẩy một “môi trường không khoan nhượng”.

Mục tiêu của tiêu chuẩn lao động quốc tế mới là bảo vệ người lao động và người làm công, bất kể tình trạng hợp đồng của họ và bao gồm cả những người đang trong quá trình đào tạo, thực tập sinh và người học việc, người lao động đã kết thúc thời hạn làm việc, tình nguyện viên, người tìm việc và người đang xin việc. Công ước ghi nhận rằng “các cá nhân thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ hay trách nhiệm của một người sử dụng lao động” cũng có thể gặp phải tình trạng bạo lực hay quấy rối.

Tiêu chuẩn này có phạm vi điều chỉnh bạo lực và quấy rối xảy ra tại nơi làm việc; những nơi mà một người lao động được trả lương, nghỉ ngơi hay nghỉ ăn ca, hay sử dụng phòng vệ sinh, tắm gội hay thay đồ; trong các chuyến công tác, khi di chuyển, các khóa đào tạo, các sự kiện hay các hoạt động xã hội; trong giao tiếp liên quan đến công việc (gồm cả thông qua các công nghệ thông tin và truyền thông); tại nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và khi di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Công ước cũng ghi nhận rằng bạo lực và quấy rối có thể liên quan đến các bên thứ ba.
Ngài Ryder cũng hoan nghênh việc thông qua tiêu chuẩn này. Ông cho biết “những tiêu chuẩn mới công nhận quyền của mọi người đối với một thế giới việc làm không có bạo lực và quấy rối”. “Bước tiếp theo là cần đưa những cơ chế bảo vệ này vào thực tiễn để chúng ta có thể tạo ra một môi trường làm việc thỏa đáng, tốt hơn, an toàn hơn cho phụ nữ và nam giới. Tôi chắc chắn rằng, với tinh thần hợp tác và đoàn kết mà chúng ta đã cùng nhau thể hiện đối với vấn đề này và yêu cầu phải hành động của công chúng, chúng ta sẽ chứng kiến Công ước được phê chuẩn nhanh chóng và rộng rãi và hành động để triển khai thực hiện”.

Công ước là những điều ước quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý có thể được các Quốc gia thành viên phê chuẩn, trong khi Khuyến nghị là những hướng dẫn không mang tính ràng buộc. Tuyên bố là những nghị quyết mà các Quốc gia thành viên của ILO sử dụng để đưa ra một tuyên bố chính thức và có thẩm quyền.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Ủy ban Áp dụng Tiêu chuẩn đã thông qua kết luận đối với 24 trường hợp đơn lẻ liên quan đến những vấn đề phát sinh từ việc thực thi các Công ước đã được các Quốc gia thành viên phê chuẩn.

Kết quả thu được từ Hội nghị “giúp ILO khẳng định cam kết của tổ chức vì công bằng xã hội để củng cố hòa bình trên thế giới”, Ngài Jean-Jacques Elmiger, Chủ tịch Hội nghị, Trưởng ban Các vấn đề Lao động Quốc tế thuộc Ban Thư ký về các Vấn đề Kinh tế Thụy Sỹ, cho biết. “Chúng ta hãy cùng nhau ghi nhận rằng hội nghị của chúng ta sẽ tạo dấu ấn trong lịch sử”.

Khoảng 6.300 đại biểu đại diện các Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động từ 178 Quốc gia thành viên của ILO cùng các quan sát viên là các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã tham dự ILC kéo dài hai tuần.

Trong quá trình diễn ra Hội nghị đã có nhiều diễn đàn chuyên môn về các vấn đề về tương lai việc làm được tổ chức với sự tham gia của trưởng đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương, các đại diện cấp cao của chính phủ và đại diện của người lao động và người sử dụng lao động.