Phát triển doanh nghiệp

ILO mở rộng chương trình hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp chế biến gỗ tại phía Bắc

Ngành chế biến gỗ đang phát triển rất nhanh tại khu vực phía Bắc và cần rất nhiều hỗ trợ để giúp doanh nghiệp có thể trở nên cạnh tranh hơn

Tin | Ngày 25 tháng 4 năm 2019
HÀ NỘI – Vào ngày 23/4, đại diện của 30 doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực phía Bắc đã tham dự tập huấn về các thực hành quản trị doanh nghiệp hiệu quả tại Hà Nội, do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM.

Hoạt động này là một phần của Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE). Nhận nguồn tài trợ từ chính phủ Na Uy và Thụy Sỹ, SCORE giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và điều kiện lao động thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn và tư vấn trực tiếp tại nhà máy.

Tại buổi “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cải tiến trong ngành gỗ” này, các chuyên gia của chương trình đào tạo SCORE chia sẻ các thực hành quản trị doanh nghiệp hiệu quả đã được áp các nhà máy ở khu vực phía Nam áp dụng, và tư vấn cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cách thức áp dụng các thực hành này.

Các chuyên gia cũng đã đến thăm một số doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất tại Hà Nội và Hải Dương để tư vấn cách thức cải thiện năng suất lao động, tăng hiệu quả, đồng thời nâng cao an toàn lao động.

Chương trình SCORE của ILO đã hỗ trợ 200 doanh nghiệp tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai trong 7 năm qua, thông qua các chương trình đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp về năng suất lao động và điều kiện làm việc.

Báo cáo từ các doanh nghiệp tham gia chương trình cho thấy năng suất được cải thiện tới 50% trong dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí lên tới 70.000 đô la Mỹ và giảm tai nạn lao động nhờ có chương trình đào tạo SCORE.

Do tốc độ tăng trưởng cao của ngành, để đáp ứng nhu cầu của các chủ doanh nghiệp, chương trình đã quyết định mở rộng hoạt động ra các tỉnh miền bắc, và buổi đào tạo tại Hà Nội vừa qua là bước đi đầu tiên.

“Ngành chế biến gỗ đang phát triển rất nhanh tại khu vực phía Bắc, và các chủ doanh nghiệp đang cần rất nhiều hỗ trợ để giúp doanh nghiệp có thể trở nên cạnh tranh hơn,” ông Stephan Ulrich, Giám đốc Dự án của ILO tại Hà Nội, cho biết. “Đây là lý do chúng tôi quyết định mở rộng hoạt động ra các tỉnh miền Bắc.”

Hiện nay có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu thống kê số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu, thì con số này có thể lên tới hàng triệu lao động.

Gỗ và lâm sản là ngành xuất khẩu quan trọng đứng thứ 6 của Việt Nam, với tăng trưởng bình quân 13% trong giai đoạn 2010-2017. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 8 tỷ USD, với 5 thị trường quan trọng nhất là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu).