Doanh nghiệp và hội nhập

Đồng thuận hợp tác cùng cải thiện số lượng và chất lượng việc làm trong ngành điện tử Việt Nam

Các doanh nghiệp đa quốc gia, chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động đã đồng thuận sẽ hợp tác chặt chẽ để tạo ra nhiều việc làm chất lượng hơn trong ngành điện tử Việt Nam – một trong những ngành công nghiệp sản xuất trẻ nhất và lớn nhất của đất nước.

Tin | Ngày 30 tháng 9 năm 2016
HÀ NỘI – Các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động đã đồng thuận sẽ hợp tác chặt chẽ để tạo ra nhiều việc làm chất lượng hơn trong ngành điện tử Việt Nam – một trong những ngành công nghiệp sản xuất trẻ nhất và lớn nhất của đất nước.


Cam kết này được đưa ra tại đối thoại chính sách cấp cao về “cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các thực hành lao động có trách nhiệm trong ngành điện tử tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng ILO đồng tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.

Những năm gần đây, số lượng việc làm trong ngành này đã tăng nhanh. Tổng số lao động trong ngành điện tử đã tăng lên 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động vào năm 2005 đến hơn 327.000 vào năm 2013.

Mặc dù cho tới nay đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu, ngành công nghiệp này vẫn đang gặp phải những thách thức lớn. Theo các nghiên cứu mới của ILO, những thách thức này gồm có: làm sao để cải thiện điều kiện lao động trong ngành, nắm bắt được công nghệ và kiến thức, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu.

Khoảng 80% người lao động ở phân khúc dưới của ngành công nghiệp này hầu hết là lao động nữ làm việc trong các dây chuyền lắp ráp vốn không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm . Phụ nữ cũng hầu như không giữ các vị trí kỹ thuật hay quản lý. Và các vị trí quản lý cấp cao trong ngành đều do người nước ngoài nắm giữ.

Nhìn chung, điều kiện lao động tại các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu của ILO đều khá tốt. Tuy nhiên, các thách thức về tuân thủ luật lao động vẫn còn tồn tại như: vi phạm thời gian làm thêm giờ (vượt quá giới hạn 300 giờ/năm), phân biệt đối xử về giới (trong tuyển dụng và đối với phụ nữ có thai), một số vấn đề về an toàn lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, đối thoại xã hội trong ngành vẫn còn yếu và có thể được cải thiện tốt hơn.

Nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra rằng 99 trong số 100 doanh nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chiếm đa số trong 20 doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, sau đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc. 20 doanh nghiệp lớn nhất này sử dụng một nửa tổng số lao động trong ngành.

“Mặc dù ngành điện tử là một biểu tượng cho sự hội nhập, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam gần như đứng ngoài chuỗi cung ứng đó,” Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cho biết. “Các doanh nghiệp có lẽ chỉ cung cấp được thùng carton, bao bì, đóng gói.”

Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng cấp cao của Canon Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm đó. Bà cho biết thêm số lượng nhà cung ứng 100% Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số 120 nhà cung ứng của Canon và họ cung cấp những sản phẩm rất đơn giản.

“Đây là hệ quả của các chính sách đầu tư trước đây. Địa phương trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư mà không chú ý nhà đầu tư có trình độ công nghệ thế nào, trong khi các nhà đầu tư lại chỉ quan tâm tới lao động giá rẻ,” Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết.

Theo ILO, các doanh nghiệp đa quốc gia nắm giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững lâu dài của nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam, với những lợi ích cân bằng cho cả quốc gia mẹ và quốc gia sở tại.

Sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc của Việt Nam thông qua Hiệp ước Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mở ra các cơ hội việc làm mới cho ngành điện tử. Nhưng những cơ hội này chỉ có thể nắm bắt được nếu Việt Nam bắt tay đổi mới toàn diện luật lao động, các thể chế và các thực hành quan hệ lao động theo Tuyên bố của ILO về những nguyên tắc và quyền lao động cơ bản.

“Việc xây dựng những liên kết bền vững hơn giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ góp phần đảm bảo một lộ trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa bền vững hơn, khi những doanh nghiệp nội địa trở thành một đối tác tích cực của các doanh nghiệp đa quốc gia, và các doanh nghiệp nội địa có mặt nhiều hơn trong chuỗi giá trị gia tăng cao,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

“Những kết quả “hai bên cùng có lợi” như vậy mang lại tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững cũng như việc làm bền vững cho người lao động. Điều này sẽ được hiện thực hóa khi khung pháp lý phù hợp được xây dựng, với một môi trường chính sách thuận lợi và những nỗ lực hợp tác của tất cả các bên.”

Hai nghiên cứu mới đây của ILO cũng tái khẳng định rằng quá trình nâng cao sức cạnh tranh thực sự của doanh nghiệp có thể đi đôi với những thực hành lao động có trách nhiệm và tạo ra thêm nhiều việc làm bền vững hơn.

Quá trình này có thể được thúc đẩy thông qua Tuyên bố ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan tới doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội, trong đó đưa ra những hướng dẫn chính sách giúp tối ưu hóa đóng góp tích cực của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có. Tuyên bố này cũng đưa ra cụ thể vai trò và trách nhiệm của quốc gia đầu tư, quốc gia sở tại, doanh nghiệp đa quốc gia, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động để có thể tối ưu hóa những đóng góp của doanh nghiệp đa quốc gia đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua hình thức đối thoại.